Tại sao cần phải nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng hệ thống giám sát nguồn nước?

Trả lời:

Trong những năm gần đây, khí hậu biến đổi khá mạnh, thời kỳ năm 2016, Đồng bằng sông Cửu Long hứng chịu đợt hạn hán và xâm nhập mặn nặng nề nhất trong vòng 100 năm, gây thiệt hại lớn hơn 160.000ha lúa, tương đương 800.000 tấn lúa bị mất trắng, các tỉnh bị thiệt hại nặng nhất là Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Bạc Liêu… (theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn). Ngoài những nguyên nhân như mùa mưa năm 2015 đến muộn và kết thúc sớm, nguyên nhân chính là các vấn đề ở thượng nguồn dòng chảy. Trên 450 tỷ m3 từ thượng nguồn, chỉ có trên 22 tỷ nội sinh tại vùng, nguy cơ cạn kiệt và xâm nhập mặn tăng cao.

Tình hình hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô năm 2019 – 2020 xuất hiện sớm hơn, gay gắt hơn trung bình nhiều năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất ngư – nông – lâm nghiệp, hạ tầng giao thông, thủy lợi và nước sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh. Diễn biến đợt hạn hán mùa khô năm 2019-2020: Mùa khô năm 2019-2020 làm cho độ mặn tăng cao kỷ lục, các hệ thống kênh, mương vùng ngọt hoá một số vùng bị sụt giảm nhanh chóng dẫn đến khô cạn, gây thiệt hại lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy sản; hàng ngàn hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt và dẫn đến tình trạng sạt lở, sụt lún đất rất nghiêm trọng tại nhiều tuyến kênh, lộ giao thông trên địa bàn tỉnh.

Từ kết quả nghiên cứu, khảo sát, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết, nguồn nước mùa khô năm 2020-2021 về vùng đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn so với trung bình 10 năm gần đây. Lưu lượng bình quân tháng 12 thấp hơn so với trung bình và có cao hơn so với năm kiệt 2015-2016 và 2019-2020.

Đối với tài nguyên nước dưới đất, vùng đồng bằng sông Cửu Long đang được khai thác khoảng gần 2 triệu m3/ngày. Mực nước dưới đất vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng có xu thế suy giảm với các mức độ khác nhau. Ngoại trừ tầng chứa nước Holocen, tầng trên cùng do bị nhiễm mặn nhiều nên ít được khai thác, phần lớn các tầng chứa nước khác đều đang hạ thấp mạnh,  theo thống kê tốc độ hạ thấp mực nước trung bình giai đoạn 5 năm gần nhất 2014-2019 của tầng chứa nước như sau: tầng Pleistocene giữa trên (qp2-3) là 0,17m/năm, TCN Pleistocene dưới (qp1) là 0,25m/năm, TCN Pliocen giữa (n22) là 0,36m/năm (theo Trung tâm Cảnh báo và Dự báo tài nguyên nước). Do ảnh hưởng của quá trình khai thác nước ngày càng tăng ở đồng bằng sông Cửu Long làm cho mực nước dưới đất trong các đới nhạt bị hạ thấp, nước mặn ở trong các tầng chứa nước dịch chuyển vào trong các đới nước nhạt gây ra hiện tượng xâm nhập mặn trong các tầng chứa nước. Để giải quyết các thách thức trong phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn cho các vùng thường xuyên bị hạn hán, xâm nhập mặn, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 04 tháng 2 năm 2016 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn và Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2016 về việc triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó xâm nhập mặn ở ĐBSCL. Ngày 17 tháng 11 năm 2017, chính phủ ra nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó xác định Bộ Tài nguyên và Môi trường nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống quan trắc, giám sát, cảnh báo và dự báo về tài nguyên và môi trường, Ngày 5 tháng 9 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05/9/2019 về đẩy mạnh thực hiện nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc xây dựng và lắp đặt các trạm quan trắc tự động tài nguyên nước, phần mềm hỗ trợ cảnh báo sớm cạn kiệt và xâm nhập mặn nguồn nước có ý nghĩa khoa học và đóng góp trong công tác quản lý tài nguyên nước nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.