Công tác quan trắc nghiên cứu động thái NDĐ ở nước ta được bắt đầu ở 3 vùng kinh tế trọng điểm: Đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng Nam Bộ và Tây Nguyên. Công tác xây dựng mạng lưới được Cục địa chất và Khoáng sản Việt Nam tiến hành từ năm 1990 đến 1995 với kết quả như sau.
Đồng bằng Bắc Bộ: diện tích 17.000km2 nằm ở miền Bắc Việt Nam cấu tạo bởi các trầm tích Đệ tứ bở rời nằm trên các trầm tích Neogen gắn kết yếu và các đá cổ cố kết. Mạng lưới quan trắc gồm 77 trạm quan trắc khu vực, 3 sân cân bằng nghiên cứu đại lượng bổ cập cho nước dưới đất, 6 tuyến nghiên cứu quan hệ thuỷ lực giữa nước mặt và nước dưới đất với tổng số 202 công trình quan trắc.
Đồng bằng Nam Bộ: là đồng bằng châu thổ của hệ thống sông Mê Công và Đồng Nai, diện tích 57.000km2 nằm ở miền Nam Việt Nam cấu tạo bởi các trầm tích Đệ tứ và Neogen bở rời có chiều dày từ vài chục đến 500-600m, nằm trên các thành tạo cố kết Mezozoi -Paleozoi. Mạng lưới quan trắc gồm 101 trạm quan trắc khu vực, 3 sân cân bằng nghiên cứu đại lượng bổ cập với tổng số 224 công trình quan trắc.
Vùng Tây Nguyên: bao gồm cao nguyên trung phần nằm ở miền Trung, diện tích 55.000km2. Cấu tạo chủ yếu bởi các thành tạo phun trào bazan nằm xen kẽ với các đá cổ Mezozoi, paleozoi hoặc các khối xâm nhập cổ. Mạng lưới quan trắc gồm 132 trạm quan trắc khu vực, 4 sân cân bằng nghiên cứu đại lượng bổ cập với tổng số 210 công trình quan trắc.
Từ năm 1996 tiến hành quan trắc cố định liên tục các yếu tố động thái NDĐ. Các dữ liệu được cập nhật, tổng hợp thành lập cơ sở dữ liệu. Xuất bản các đặc trưng và niên giám, dự báo phục vụ các mục đích khác nhau của các nghành kinh tế quốc dân có liên quan đến NDĐ.