Có những cách nào để tiếp cận công nghệ lưu giữ nước ngọt trong các tầng chứa nước ngầm vùng đồng bằng sông Cửu Long?

Trả lời:

1) Tiếp cận hệ thống: Đối tượng nghiên cứu ở đây là cấu trúc lưu trữ nước của các tầng chứa nước bao gồm các đặc tính về đặc điểm phân bố (chiều sâu phân bố, bề dày); đặc điểm thành phần thạch học, đặc điểm thấm nước, chứa nước, mực nước tĩnh, mực áp lực, động thái..v.v. Tất cả các yếu tố, đối tượng nghiên cứu này trải dài trên vùng lãnh thổ rộng lớn nên sự thay đổi về không gian, điều kiện địa hình, địa chất, địa chất thủy văn, những biến đổi về thời tiết khí hậu, khí tượng – thủy văn rất phức tạp. Tất cả những yếu tố đó đều là các điều kiện tiên quyết quyết định đến khả năng áp dụng công nghệ lưu trữ nước ngọt trong tầng chứa nước mặn. Do đó đòi hỏi phải tiếp cận hệ thống, toàn diện và tổng hợp trên vùng lãnh thổ mới giải quyết được mục tiêu nghiên cứu đề ra. Cách tiếp cận hệ thống đóng góp vai trò quan trọng trong việc phân tích, giải quyết và xâu chuỗi các vấn đề thành một thể thống nhất để đưa ra các đề xuất đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tế tại của vùng đồng bằng sông Cửu Long trong việc xác định các khu vực có khả năng lưu giữ nước ngọt trong các tầng chứa nước ngầm.

2) Tiếp cận kế thừa: Các nghiên cứu về phương pháp điều tra, khảo sát và phân tích, đánh giá về thực trạng trữ nước ngọt phần trên mặt và các khu vực lưu giữ nước ngọt trong các tầng chứa nước ngầm, xác định các khu vực có thể lưu giữ nước ngọt trong các tầng chứa nước ngầm và mô hình công nghệ lưu giữ nước đã được áp dụng phổ biến trên thế giới và tại Việt Nam. Ngoài ra, các tài liệu nghiên cứu về tài nguyên nước mưa, nước mặt, nước dưới đất trong vùng nghiên cứu đã được đầu tư khá nhiều trong những năm qua, mà đơn vị trực tiếp thực hiện là Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đặc biệt là việc kế thừa, tận dụng tối đa các công trình giếng khoan đã có sẵn trong quá trình thực hiện các đề án, dự án do Trung tâm trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện sẽ góp phần tiết kiệm đáng kể kinh phí cho đề tài mà vẫn có thể đảm bảo được mục tiêu đã đề ra. Do đó tiếp cận kế thừa cho phép tham khảo, kế thừa số lượng lớn tài liệu, phân tích các tài liệu sẵn có để ứng dụng trong quá trình triển khai các nội dung nghiên cứu của đề tài.

3) Tiếp cận theo phương pháp chuyên gia: Các chuyên gia, các cán bộ nghiên cứu sẽ được huy động tham gia trong hoạt động nghiên cứu để đảm bảo các kết quả nghiên cứu có tính hiệu quả, khách quan. Đặc biệt là xác định bộ tiêu chí đánh giá, xác định các khu vực có thể lưu giữ nước ngọt trong các tầng chứa nước ngầm. Đây là những vấn đề mới mẻ nên cần có sự tham gia góp ý của các chuyên gia thông qua các cuộc hội thảo.

4) Tiếp cận thực tế hiện trường: Đây là cách tiếp cận cũng như là phương pháp kinh điển trong điều tra khảo sát thu thập bổ sung thông tin số liệu phục vụ công tác nghiên cứu không thể thay thế được. Ngoài ra, điều tra thực tế còn nắm bắt được thực trạng trữ nước ngọt phần trên mặt và trong các tầng chứa nước ngầm. Đặc biệt là qua công tác điều tra, khảo sát thực tế tại hiện trường mới có thể xác định được các khu vực có các điều kiện thuận lợi để khoanh định khu vực lưu giữ nước ngọt trong các tầng chứa nước ngầm.

5) Cách tiếp cận trọng tâm, trọng điểm: Các đối tượng nghiên cứu cũng như phạm vi nghiên cứu của đề tài tương đối lớn, vì vậy cách tiếp cận trọng tâm, trọng điểm nhằm xác định và phân tích những khu vực đặc trưng, có tính phổ quát cao.