Tại sao cần phải chuyển đổi số trong hoạt động điều tra, đánh giá tài nguyên nước?

Khái niệm Chuyển đổi số (Digital Transformation) được đưa ra trong thời đại bùng nổ và phát triển nhanh chóng và toàn diện với sự hiện diện của Công nghệ trong tất cả các khía cạnh hoạt động và lĩnh vực hoạt động của một tổ chức. Không phải ngẫu nhiên mà chuyển đổi số là một từ khoá được Chính phủ, các cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp quan tâm và đầu tư thời gian – tiền bạc – nhân sự vì nếu đạt được hiệu quả, hoạt động này sẽ làm thay đổi một cách toàn diện cách thức, quy trình hoạt động hiện tại cũng như tăng sự hiệu quả trong việc quản lý, phối hợp giữa các đơn vị trong tổ chức, giữa các tổ chức và cơ quan nhà nước. Có thể nói hiệu quả và giá trị đem lại là vô cùng to lớn đối với tổ chức cũng như tác động lâu dài đến toàn bộ các hoạt động của liên đoàn.

Chuyển đổi số không phải là chỉ đầu tư trang thiết bị, phần mềm Công nghệ thông tin một cách thuần tuý, mà chuyển đổi số bao phủ ở góc độ rộng lớn hơn, bao gồm: Chiến lược phát triển cụ thể của tổ chức, Quy mô và khối lượng công việc cần phải thay đổi và cải tiến, Các giải pháp và định hướng công nghệ phù hợp cũng như nguồn thông tin, tài nguyên số được quản lý và khai thác như thế nào sau chuyển đổi.

Đối với Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước quốc gia, các hoạt động hiện tại hiện đang được thực hiện theo chương trình, kế hoạch cụ thể với khối lượng công việc lớn cũng như các kết quả bàn giao là các tài liệu, sản phẩm giấy khó có thể được khai thác một cách đầy đủ và hiệu quả theo thời gian sẽ dẫn đến khả năng thực hiện và hiệu quả công việc thực hiện là thấp. Việc áp dụng chuyển đổi số được kỳ vọng sẽ thay đổi một cách toàn diện hoạt động của tổ chức, cụ thể như sau:

– Thay đổi về Chiến lược phát triển: Khi chưa áp dụng công nghệ thì khối lượng công việc có thể thực hiện phụ thuộc rất lớn vào số lượng con người mà Trung tâm hiện có. Khi áp dụng công nghệ thì chiến lược hoạt động của Trung tâm một năm có thể làm được nhiều công việc cũng như có thể nghiên cứu, phân tích và dự báo chuyên sâu hơn đối với tài nguyên nước.

– Phát huy khả năng chuyên môn và tài năng của nhân sự: Các nhân sự có thể dựa trên sự hỗ trợ về Công nghệ trong hoạt động điều tra, đánh giá để thu nhận được các kết quả chuẩn mực hơn, chính xác hơn cũng như hoàn thiện các kỹ năng trong hoạt động điều tra, đánh giá tài nguyên nước. Trong các hoạt động nội khối, các hoạt động xử lý, tổng hợp thông tin, dữ liệu và xây dựng các biểu, bảng, đồ thị với nguồn thông tin đầu vào được chuẩn hoá sẽ giúp cho các chuyên viên nghiệp vụ có thể so sánh, đối chiếu dữ liệu một cách đầy đủ, toàn diện để thực hiện các công việc một cách tốt hơn với chất lương cao hơn cũng như có thể dành nhiều thời gian trong công việc chuyên môn là xử lý, phân tích và đánh giá số liệu một cách đầy đủ và đa chiều thay vì dành nhiều thời gian trong việc tổng hợp số liệu.

– Sự hỗ trợ của Công nghệ: Công nghệ là công cụ hỗ trợ cho toàn bộ các hoạt động của Trung tâm, từ việc thu thập số liệu, quản lý số liệu, xử lý và phân tích đến các kết quả được khai thác và chia sẻ nội bộ trong Trung tâm cũng như chia sẻ cho các đơn vị khác thuộc Bộ tài nguyên và môi trường , đồng nhất với cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.

– Tối ưu và tinh giản về quy trình: Đơn giản hoá các quy trình từ thu thập, xử lý đến phân tích, đánh giá số liệu cũng như các hoạt động nghiệp vụ hàng ngày của Trung tâm.

– Chất lượng sản phẩm của Trung tâm: Các sản phẩm khi được quy chuẩn sẽ đảm bảo về chất lượng số liệu, tránh các rủi ro về sai sót, thiếu cũng như khối lượng số liệu có thể đưa ra trong các báo cáo tổng hợp, báo cáo chuyên sâu.