Để đạt được mục tiêu đề ra, Đề tài “Nghiên cứu xác định các thành phần trong cân bằng nước và lượng nước có thể phân bổ cho các nhu cầu sử dụng nước trên lưu vực sông” đã lựa chọn cách tiếp cận nào?

Đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn xác định các thành phần trong cân bằng nước và lượng nước có thể phân bổ cho các nhu cầu sử dụng nước trên lưu vực sông” do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia chủ trì thực hiện từ năm 2018, chủ nhiệm đề tài là ThS. Tống Thanh Tùng. Để giải quyết được mục tiêu là đề xuất được cơ sở khoa học và thực tiễn các thành phần trong cân bằng nước lưu vực sông; xây dựng được bộ tiêu chí phân bổ nguồn nước theo không gian và thời gian và áp dụng thử nghiệm trên thượng lưu sông Đáy từ đập Vân Cốc đến sau nhập lưu sông Bùi, đề tài lựa chọn cách tiếp cận sau:

  1. Tiếp cận thực tiễn, hệ thống, toàn diện và tổng hợp

Đối tượng nghiên cứu của đề tài ở đây là các thành phần trong cân bằng nước trên lưu vực sông như lượng lũ không thể kiểm soát được, lượng nước đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho ăn uống sinh hoạt, lượng bổ cập của nước mưa cho nước dưới đất, tương tác giữa nước mặt với nước dưới đất, lượng nước dưới đất có thể khai thác, sử dụng… là rất phức tạp đòi hỏi phải tiếp cận thực tiễn, xây dựng mô hình thực nghiệm nghiên cứu ngoài hiện trường, lập các phiếu điều tra dân sinh xã hội… một cách toàn diện và tổng hợp hệ thống mới đạt được mục tiêu nghiên cứu đề ra.

  1. Tiếp cận kế thừa

Lưu vực nghiên cứu là thượng lưu sông Đáy từ đập Vân Cốc đến sau nhập lưu sông Bùi đã có nhiều nghiên cứu điều tra, đánh giá tài nguyên nước, tính toán cân bằng nước. Đó là những kết quả vô cùng quý giá, là kết quả của bao thế hệ đã dày công nghiên cứu, đầu tư về sức lực, trí tuệ và vật chất rất đáng trân trọng. Do đó trong cách tiếp cận này sẽ:

– Tổng hợp lý thuyết và thực tiễn kế thừa các phương pháp phù hợp để xây dựng phương pháp luận về cơ sở khoa học xác định các thành phần trong cân bằng nước lưu vực sông;

– Xây dựng bộ tiêu chí phân bổ nguồn nước theo không gian và thời gian trên lưu vực sông.

  1. Tiếp cận về phương pháp nghiên cứu

Tôn trọng và sử dụng có xem xét các phương pháp nghiên cứu truyền thống, nắm chắc và vận dụng tốt các phương pháp và công cụ nghiên cứu mới nhằm đưa ra các kết quả tính toán đầy đủ và tin cậy nhất.

  1. Tiếp cận với các nhà khoa học, các chuyên gia

Để có kết quả nghiên cứu tốt nhất thì sự góp ý của các nhà khoa học, các chuyên gia là những đóng góp quý báu nhằm hoàn thiện đề tài này. Vì vậy cần tranh thủ tiếp cận với các nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu, các chuyên gia và nhà quản lý có kinh nghiệm thực tế liên quan đến lĩnh vực đề tài.