Các hoạt động chủ yếu của dự án Điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt các xã biên giới Việt – Lào từ Hà Tĩnh đến Kon Tum là gì?

Biên giới Việt – Lào (đoạn từ Hà Tĩnh đến Kon Tum) có chiều dài là 954 km. Đây là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng của cả 2 quốc gia Việt nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Những đặc điểm tự nhiên về tài nguyên thiên nhiên đặc biệt là tài nguyên nước có ảnh hưởng to lớn tới sự phát triển bền vững kinh tế, xã hội của 2 nước Việt Nam và Lào nói chung và của các huyện biên giới Việt – Lào nói riêng.

Nhận thức được tầm quan trọng trong quản lý nguồn nước xuyên biên giới, Bộ Tài nguyên và môi trường với vai trò là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện công tác quản lý tài nguyên nước đang nỗ lực tập trung vào các nhiệm vụ cơ bản trong đó có điều tra đánh giá nguồn nước xuyên biên giới. Điều đó thể hiện trong quyết định số 2438/QĐ-BTNMT ngày 24 tháng 10 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường về việc phê duyệt danh mục dự án, nhiệm vụ chuyên môn mở mới năm 2017. Theo đó, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã lập dự án Điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt các xã biên giới Việt – Lào từ Hà Tĩnh đến Kon Tum (Tỷ lệ 1/100.000).

Dự án có các hoạt động chủ yếu sau:

  1. Điều tra thực địa

– Điều tra, thu thập, cập nhật thông tin, dữ liệu về đặc điểm, tình hình tài nguyên nước mặt tại các cơ quan ở địa phương vùng dự án;

– Điều tra theo lộ trình đã xác định;

– Đo đạc dòng chảy;

– Lấy và bảo quản mẫu nước phân tích trong phòng thí nghiệm;

– Chỉnh lý số liệu điều tra thực địa, bảo dưỡng thiết bị máy móc hàng ngày;

– Điều tra, thu thập thông tin bổ sung.

  1. Thu thập tài liệu và xử lý, tổng hợp thông tin

– Thu thập, rà soát thông tin, dữ liệu trước khi thực địa và triển khai công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt;

– Tổng hợp, chỉnh lý, xử lý thông tin, dữ liệu thu thập sau quá trình điều tra thực địa và kết quả điều tra thực địa theo các nội dung đánh giá;

– Ứng dụng công cụ mô hình toán.

  1. Phân tích, đánh giá hiện trạng, diễn biến tài nguyên nước mặt

– Phân tích, đánh giá các đặc trưng hình thái sông, lưu vực sông, đặc điểm hồ chứa, ao hồ tự nhiên thuộc đối tượng điều tra;

– Phân tích, đánh giá đặc điểm, diễn biến của tài nguyên nước mưa theo lưu vực sông, đơn vị hành chính và vùng dự án;

– Phân tích, đánh giá đặc điểm, diễn biến số lượng tài nguyên nước mặt theo lưu vực sông, đơn vị hành chính và vùng dự án;

– Phân tích, đánh giá chất lượng nước mặt theo lưu vực sông, đơn vị hành chính và vùng dự án;

– Đánh giá khả năng khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt phục vụ cho các mục đích;

– Xác định các vấn đề nổi cộm liên quan đến tài nguyên nước mặt;

  1. Chuẩn bị nội dung thông tin và biên tập các bản đồ tỉ lệ 1:100.000

– Bản đồ tài liệu thực tế tài nguyên nước mặt;

– Bản đồ tài nguyên nước mặt;

– Bản đồ hiện trạng chất lượng nước mặt.

Dự án được thực hiện sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cho các ngành khai thác, sử dụng nguồn nước mặt đặc biệt là góp phần giải quyết nguồn nước cho các hộ dân nghèo nhằm bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế và giữ vững an ninh, quốc phòng vùng biên giới Việt – Lào.