Xây dựng các công trình cấp nước cho Đảo Trà Bản – Quảng Ninh

Đảo Trà Bản (nay có tên gọi đảo Bản Sen) là đảo thuộc khu kinh tế Vân Đồn thuộc tỉnh Quảng Ninh. Tên đảo Trà Bản có lẽ xuất phát từ bản trồng chè phục vụ cho quan lại thời Pháp thuộc. Đảo nằm trong vịnh Bái Tử Long, cách thị xã Hòn Gai khoảng 65km và cách cảng Cái Rồng chừng 25km.

Đảo có dạng hình bình hành hai đầu đảo thót nhỏ lại. Diện tích của đảo 90km2. Dân cư trên đảo Trà Bản sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp và đánh bắt thủy sản, trên đảo không có nhà máy sản xuất cũng như các hoạt động công nghiệp. Trong báo cáo này, tác giả đánh giá và dự báo nhu cầu sử dụng nước với hai đối tượng dùng bao gồm: Sinh hoạt và nông nghiệp.

+ Sinh hoạt: Nước là nhu cầu không thể thiếu của con người do vậy nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt hàng ngày của con người là rất quan trọng. Nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt có thể từ nguồn nước mưa, NDĐ hay nước mặt đã được xử lý để đảm bảo an toàn sức khỏe. Do vậy, tuy nhu cầu nước cho sinh hoạt không lớn nhưng các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng nguồn nước là rất cao. Nước sinh hoạt luôn luôn được đưa lên ưu tiên hàng đầu trong các trường hợp nguồn nước bị khan hiếm hay bị ô nhiễm.

+ Nông nghiệp: Đảo Trà Bản chủ yếu phát triển cây trồng lúa nước, gần đây người dân còn phát triển thêm 2 loại cây trồng là Chè Vân và Cam Sen, vì vậy lượng nước phát triển cây trồng ở đảo rất được quan tâm.

Tài nguyên nước dưới đất đảo Trà Bản được đánh giá qua 4 tầng chứa nước, trong đó có 3 tầng chứa nước chỉ khai thác sử dụng được cho quy mô hộ gia đình, gồm tầng chứa nước (q, qh,). Còn 2 tầng chứa nước có thể khai thác cấp nước với quy mô tập chung lớn hơn, là tầng chứa nước (d1-2, d2).

Trữ lượng tiềm năng được đánh giá trên toàn đảo là 25.927 m3/ng, trữ lượng khai thác là 10.703 m3/ng. 

Với nguồn cung cấp cho các tầng chủ yếu là nước mưa và theo kết quả phân tích, đánh giá chất lượng nước cho thấy nước trên đảo có chất lượng nước tốt, và hoàn toàn đáp ứng được cho nhu cầu ăn uống và sinh hoạt của người dân trên đảo.

Tình hình khai thác, sử dụng nước dưới đất, trên đảo hiện nay có khoảng 20 hộ dân trên tổng số 250 hộ dân sử dụng giếng đào khai thác nước dưới đất (chiếm khoảng 10%). Như vậy có thể thấy nước dưới đất trên đảo hiện nay hầu như chưa được khai thác.

Ở các điểm dân cư phân tán nguồn nước sử dụng cho ăn uống sinh hoạt khá đa dạng, chủ yếu dùng các giếng đào trong Đệ Tứ, một số giếng trong đới phong hóa của đá gốc, đắp các hồ nhỏ tích nước mưa và nước các khe suối, xây bể chứa nước mưa…ở những nơi tập trung người, trong quá trình điều tra địa chất thủy văn của đảo đã bố trí các công trình khoan máy nhằm đáp ứng trực tiếp các yêu cầu về nước tại các tụ điểm dân cư này. 

– Nước sinh hoạt

Việc cung cấp nước cho mục đích sinh hoạt, có thể sử dụng các nguồn nước mặt và nước dưới đất đã được đánh giá trữ lượng và chất lượng. Cụ thể, với nước dưới đất có thể khai thác sử dụng trong các tầng có ý nghĩa cấp nước như : tầng chứa nước q, d1-2, d2. Dự án đã thi công 8 lỗ khoan cấp nước tại vị trí các thôn Đông Lĩnh, Nà Na, Điền Xá, Tân Lập, Cái Tỏi. Các nguồn nước mặt có thể khai thác sử dụng bao gồm: Sông Nà Na, Suối Lòng Rinh, Suối Khe Cầu, Suối Đá Bạc. Bên cạnh đó, có thể xây dựng các bể chứa nước nhỏ để tích trữ lượng nước mưa phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong mùa khô.

– Nước tưới

Nước phục vụ cho nhu cầu tưới có thể sử dụng các nguồn nước mặt bao gồm: Sông Nà Na, Suối Lòng Rinh, Suối Khe Cầu, Suối Đá Bạc

– Nước sản xuất, dịch vụ khác

Nước dưới đất được khai thác cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau như mục đích ăn uống, sinh hoạt, sản xuất, dịch vụ, chăn nuôi, tưới…. Tuy nhiên trên đảo Trà Bản, nước dưới đất cần được khai thác ưu tiên chủ yếu phục vụ sinh hoạt của người dân và các cơ quan ban ngành của huyện đóng trên đảo. 

Tuy nhiên, hiện này trên đảo không có các cơ sở kinh tế công nghiệp, chỉ có một lượng không lớn phục vụ các tầu thuyền đi biển. Với nhu cầu này, có thể sử dụng nguồn nước mưa hoặc nưới dưới đất với quy mô nhỏ lẻ.

Nước dưới đất dự kiến khai thác ở tầng chứa nước d1-2, sau khi hoàn thành thi công 8 lỗ khoan, sơ đồ khai thác bố trí như sau:

+ Cụm 1: lỗ khoan LKTB1, LKTB2, LKTB3 tại thôn Nà Na, Đông Lĩnh.

+ Cụm 2: lỗ khoan LKTB4, LKTB5, LKTB6 tại thôn Điền Xá.

+ Cụm 3: lỗ khoan LKTB7, LKTB8 tại thôn Tân Lập.

+ Cụm 4: lỗ khoan LKTB9 tại thôn Cái Tỏi.

Sau khi tính toán nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt và nông nghiệp, dự án đã xác định được nguồn nước mặt trên đảo Trà Bản hoàn toàn đáp ứng được cho sinh hoạt và nông nghiệp sau 25 năm. Tuy nhiên để đảm bảo nguồn nước sạch phục vụ cho sinh hoạt và ăn uống của người dân khi nguồn nước mặt cạn kiệt trong mùa khô thì có thể khai thác nước dưới đất với sơ đồ như trên.

Dựa trên các định mức, chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội trong bản Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đã xác định được nhu cầu sử dụng nước cho từng thời kỳ phát triển. Trên phương châm, nước dưới đất sẽ ưu tiên sử dụng cho các mục đích sinh hoạt. Với những nhu cầu sử dụng nước cho nông nghiệp sẽ sử dụng nước mặt. Qua các kết quả tính toán và đánh giá đã chỉ ra, tài nguyên nước trên đảo Trà Bản hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước cho hiện tại và tương lai.

Với những kết quả đạt được, cụ thể là những lỗ khoan khai thác nước dưới đất đã thi công và được bàn giao cho địa phương, cần có những đầu tư thích hợp để xây dựng mạng lưới cấp nước nhằm phát huy được hiệu quả kinh tế của những đầu tư, tránh thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước.