Xác định dòng chảy tối thiểu trên dòng chính lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn

Lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn là một trong số chín lưu vực sông lớn của Việt Nam với diện tích lựu vực 10.350 km2 thuộc các tỉnh, thành phố: Kon Tum, Quảng Nam, Đà Nẵng.

Tài nguyên nước lưu vực sông Vu Gia -Thu Bồn có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, ổn định xã hội và bảo vệ môi trường đối với tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Việc phát triển các công trình thủy điện và thủy lợi đã góp phần rất lớn cho phát triển công nghiệp và nông nghiệp của hai địa phương. Tuy nhiên, chính việc xây dựng các công trình này lại gây nên sự thay đổi lớn về chế độ thủy văn của các con sông, suối. 

Nguồn nước lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn tương đói dồi dào tuy nhiên phân bố không đều lượng nước mùa mưa chiến từ 70 đến 75% tổng lượng nước cả năm. Nguồn nước sông Vu Gia – Thu Bồn có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương trong lưu vực. Nguồn nước sông tuy dồi dào nhưng đang có xu thế suy giảm dần cả về số lượng và chất lượng. Dòng chảy kiệt trong mùa khô đang có có sự biến đổi rất lớn giữa các năm. Lưu lượng dòng chảy bình quân tháng mùa kiệt trong một giai đoạn dài của sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 45 m3/s và bằng khoảng 50% dòng chảy ngày kiệt nhất (4/9/1998). Lưu lượng dòng chảy bình quân tháng mùa kiệt của sông Thu Bồn tại Nông Sơn là 28 m3/s và bằng khoảng 50% lưu lượng nước ngày kiệt nhất (17/8/1977).

Trong những năm gần đây, có nhiều công trình thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn đi vào hoạt động đã góp phần to lớn vào tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước cũng như các địa phương trong lưu vực.

Bên cạnh những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế – xã hội các địa phương trên lưu vực, việc vận hành các hồ thủy điện tác động đến dòng chảy hạ lưu nhất là trong mùa kiệt. Thực tế trong vận hành các hồ thủy điện trên dòng chính lưu sông Vu Gia – Thu Bồn cho thấy đã đã có ảnh hưởng rất nhiều đến hạ lưu lưu, cụ thể như công trình thủy điện A Vương trong quá trình vận hành đã giảm dòng chảy kiệt, gây thiếu nước trong nghiêm trọng trong mùa khô năm 2009, tác động trực tiếp tới các ngành khai thác sử dụng nước và mặn xâm nhập sâu vào trong sông. Nhà máy nước Cầu Đỏ khai thác nước sông Yên đã nhiều lần phải giảm công suất do lưu lượng, mực nước sông xuống thấp tới mức kỷ lục và xâm nhập mặn làm ảnh hưởng tới nguồn nước. 

Để đảm bảo nước cho hệ sinh thái, duy trì dòng sông và đảm bảo lượng nước tối thiểu để khai thác sử dụng là một yêu cầu không thể thiếu để phát triển bền vững tài nguyên nước. Hiện nay tính toán xác định yêu cầu duy trì lượng dòng chảy tối thiểu trên dòng chính của các sông là một vấn đề rất cấp thiết, có ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn rất lớn. Cho đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể về phương pháp xác định dòng chảy tối thiểu để sử dụng thống nhất trên thực tế. Chính vì vậy, báo cáo này trình bày nghiên cứu xác định yêu cầu dòng chảy tối thiểu trên dòng chính sông Vu Gia – Thu Bồn, phục vụ phát triển bền vững tài nguyên nước nói chung và hệ sinh thái nói riêng

Để quản lý nguồn nước và có cơ sở pháp lý, để có giải pháp kiểm soát các hoạt động khai thác, sử dụng nước bảo đảm hài hòa giữa các lợi ích kinh tế-xã hội, bảo vệ tài nguyên nước. Năm 2010, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia thực hiện Dự án “Điều tra, xác định dòng chảy tối thiểu trên dòng chính lưu vực sông Vu Gia –Thu Bồn” nội dung dự án được xây dựng căn cứ vào định nghĩa về dòng chảy tối thiểu quy định tại Nghị định số 120/2008/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý lưu vực sông.

Dòng chảy tối thiểu là dòng chảy ở mức thấp nhất cần thiết để duy trì dòng sông hoặc đoạn sông nhằm bảo đảm sự phát triển bình thường của hệ sinh thái thủy sinh và bảo đảm mức tối thiểu cho hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước của các đối tượng sử dụng nước.

Hiện nay trên dòng chính sông Vu Gia có 2 trạm thủy văn là trạm Hội Khách và trạm Ái Nghĩa; sông Thu Bồn có 2 trạm thủy văn là trạm Nông Sơn và trạm Giao Thủy, cả 4 trạm này đều có chuỗi số liệu quan trắc dài trên 30 năm, đều nằm trên dòng chính. Do đó, để thuận lợi cho việc tính toán giá trị dòng chảy duy trì dòng sông lựa chọn vị trí điểm kiểm soát trùng với 4 trạm thủy văn trên dòng chính sông Vu Gia, sông Thu Bồn, cụ thể như sau:

Điểm kiểm soát 1 (kí hiệu: DTS 1): Trạm thủy văn Hội Khách thuộc dòng chính sông Vu Gia;

Điểm kiểm soát 2 (kí hiệu: DTS 2): Trạm thủy văn Ái Nghĩa thuộc dòng chính sông Yên;

Điểm kiểm soát 3 (kí hiệu: DTS 3): Trạm thủy văn Nông Sơn thuộc dòng chính sông Thu Bồn;

Điểm kiểm soát 4 (kí hiệu: DTS 4): Trạm thủy văn Giao Thủy thuộc dòng chính sông Thu Bồn.

Dòng chảy tối thiểu trên dòng chính sông Vu Gia – Sông Thu Bồn được xác định trên cơ sở số liệu điều tra tình hình khai thác, sử dụng nước; hệ sinh thái thủy sinh và nhu cầu khai thác, sử dụng nước mặt của các ngành kinh tế – xã hội trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn. Các giá trị dòng chảy tại điểm các kiểm soát và các kết quả chính của dự án đã được cự thể như sau:

1. Điều tra, thu thập thông tin về tình hình khai thác, sử dụng nước cho nông nghiệp, xác định được 820 công trình các loại, trong đó: 72 hồ chứa, 546 đập dâng, 202 trạm bơm; 03 nhà máy cấp nước sinh hoạt sử dụng nguồn nước mặt là Nhà máy nước Cầu Đỏ có công suất 175.000 m3/ngày đêm, lấy nước từ sông Hàn, nhà máy nước Sơn Trà có công suất 8.000 m3/ngày đêm và nhà máy nước Vĩnh Điện có công suất 6.000 m3/ngày đêm, lấy nước từ sông Vĩnh Điện.

2. Tổng hợp kết quả điều tra, nghiên cứu về hệ sinh thái thủy sinh trên lưu sông Vu Gia – Thu Bồn.

3. Tính toán tổng lượng dòng chảy mặt trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn khoảng 24 tỷ m3. Mùa lũ từ tháng X – XII (3 tháng), có lượng dòng chảy chiếm khoảng 65% Wnăm. Lượng dòng chảy trung bình tháng lớn nhất là tháng XI chiếm khoảng 27% Wnăm. Mùa cạn kéo dài từ tháng 12 năm trước đến tháng 8 năm sau, có tổng lượng dòng chảy trung bình mùa cạn chiếm khoảng 35% Wnăm.

4. Tính toán nhu cầu sử dụng nước trên toàn lưu vực đến năm 2020 là 4070,7 triệu m3, ngành sử dụng nước nhiều nhất là ngành nông nghiệp chiếm 48,28 %, ít nhất là ngành công nghiệp chiếm 0,7 %.

5. Xác định giá trị dòng chảy tối thiểu tại 4 điểm kiểm soát trên dòng chính sông Vu Gia, sông Thu Bồn:

+ Tại trạm thủy văn Hội Khách trên sông Vu Gia, mực nước là 841,8cm, lưu lượng là 64,2 m3/s;

+ Tại trạm thủy văn Ái Nghĩa trên sông Yên, mực nước là 266 cm, lưu lượng là 33,3 m3/s;

+ Tại trạm thủy văn Nông Sơn trên sông Thu Bồn, mực nước là 412,3 cm, lưu lượng là 44,9 m3/s;

+ Tại trạm thủy văn Giao Thủy trên sông Thu Bồn, mực nước là 108 cm, lưu lượng là 36,4 m3/s.

Tính toán xác định yêu cầu duy trì lượng dòng chảy tối thiểu trên dòng chính sông là một vấn đề rất cấp thiết, có ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn rất lớn nhất là trong bối cảnh hiện nay. Do còn đang trong quá trình nghiên cứu nên Bộ Tài nguyên và Môi trường cho đến nay vẫn chưa đưa ra hướng dẫn cụ thể về phương pháp xác định lượng dòng chảy tối thiểu để sử dụng thống nhất trên thực tế. Nghiên cứu tính toán xác định yêu cầu duy trì dòng chảy tối thiểu trên dòng chính sông Vu Gia – Thu Bồn là việc làm hết sức cấp thiết, vì thế sẽ có đóng góp về mặt khoa học trong việc giải quyết vấn đề trên, và đối với lưu vựcVu Gia – Thu Bồn, kết quả tính toán lượng dòng chảy tối thiểu cần duy trì trên dòng chính sông sẽ là cơ sở cho việc xem xét các phương án khai thác sử dụng nước, giải pháp chia sẻ phân bổ nguồn nước trên sông Vu Gia – Thu Bồn cho sử dụng ở khu vực hạ lưu đảm bảo yêu cầu bền vững.