Xác định rõ nguyên nhân sụt lún tại núi Móng Rồng, tỉnh Hà Nam

Từ năm 2018, tại khu vực núi Móng Rồng, thị trấn Kiện Khê đã xuất hiện hiện tượng nứt kèm theo sụt lún đất, đến giữa năm 2019 hiện tượng này diễn ra mạnh hơn làm một số ngôi nhà của người dân bị nứt tường, nền nhà, nhà bị lún nghiêng khiến người dân hết sức lo lắng. Trước tình trạng đó, tháng 7/2019, Trung tâm Dữ liệu Tài nguyên nước phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam và các chuyên gia địa chất, địa chất thủy văn đã sơ bộ điều tra, đánh giá, xác định nguyên thông qua tiến hành ký hợp đồng dịch vụ tư vấn số 01/HĐTV về việc thực hiện đề án “Khảo sát, đánh giá nguyên nhân sụt lún tại núi Móng Rồng tiểu khu La Mát, tiểu khu Châu Giang, thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam”.

Khu vực điều tra, khảo sát có diện tích 7,5 km2, thuộc địa phận Thị Trấn Kiện khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Mục tiêu là đánh giá hiện trạng sụt lún mặt đất tại núi Móng Rồng tiểu khu La Mát, tiểu khu Châu Giang, thị trấn Kiện Khê; xác định nguyên nhân, đánh giá vai trò ảnh hưởng của các yếu tố tự nhiên, nhân sinh; đề xuất các giải pháp khắc phục sự cố, phòng tránh, giảm thiểu hậu quả; phân vùng dự báo nguy cơ sụt đất đề xuất định hướng phát triển an toàn kinh tế – xã hội.

Để điều tra, khảo sát thực địa, đội ngũ cán bộ Trung tâm Dữ liệu tài nguyên nước tiến hành khảo sát các công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất, các hiện tượng mất nước, sụt lún, rạn nứt các công trình nhà dân,… đồng thời nghiên cứu địa tầng, cấu trúc kiến tạo, địa hình – địa mạo và tính chất cơ lý của đất đá. Đối tượng nghiên cứu là các điểm lộ đá, giếng đào, giếng khoan và các vị trí nứt đất, sụt lún, lún nghiêng với tổng số 20 điểm khảo sát trên toàn bộ vùng nghiên cứu.

Vết nứt đất, nhà bị nứt, lún nghiêng tại phía Tây Bắc tiểu khu Châu Giang.

Kết quả khảo sát đã ghi nhận được hiện tượng sụt lún nền đất trong khu vực đã xảy ra từ những năm trước, đến tháng 7 năm 2019 tình hình sụt lún, nứt đất tại khu vực diễn ra mạnh hơn. Hiện tượng sụt lún đất tự nhiên, tạo biến dạng bề mặt đất theo hướng Bắc- Nam, kéo dài từ khu dân cư phía Tây Bắc Tiểu khu Châu Giang qua trường Tiểu học B Kiện Khê đến giáp khu dân cư phía Nam Tiểu khu La Mát. Sụt lún nghiêm trọng nhất là nhà bà Nguyễn Thị Tuyết có sân nền bị nứt, lún, với quy mô vết nứt 10 – 40 cm, nền lún sâu tới 70cm. Tại khu vực phía sau trường tiểu học B Kiện Khê xuất hiện một hố sụt lớn với đường kính khoảng 1,2m, chiều sâu khoảng 2,0m (thông tin người dân), hiện hố sụt đã được lấp tạm để đảm bảo an toàn cho học sinh.

Ngoài ra, trong vùng hiện có 05 giếng có đường kính lớn thuộc sở hữu của công ty TNHH Thương Mại và Xây dựng Tân Phát Nam Hà phục vụ cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho nhà máy bia Sài Gòn – Phủ Lý và nhà máy nước sạch thị trấn Kiện Khê, công suất 5.000 m3/ngày đêm đang tiến hành hoàn thiện đấu nối nước sạch từ nhà máy đến các hộ dân cư thuộc tiểu khu La Mát, tiểu khu Châu Giang (nguồn nước từ sông Đáy), tuy nhiên phần lớn các hộ dân tại hai tiểu khu này vẫn sử dụng nước dưới đất khai thác qua các giếng đào, giếng khoan.

Công tác đo địa vật lý và khoan khảo sát đã xác định được cấu trúc địa chất tại khu vực nghiên cứu gồm 2 lớp là trầm tích Đệ Tứ và đá vôi: Từ bề mặt đất đến độ sâu khoảng 8,0 m là các trầm tích Đệ Tứ với thành phần gồm sét, cát, dăm sạn. Lớp dưới là đá vôi hệ tầng Đồng Giao có mức độ nứt nẻ trung bình đến mạnh, tồn tại nhiều hang ngầm, có các hoạt động karst phát triển nên dễ gây ra sụt lún đất. Đây là hoạt động và phát triển tự nhiên của quá trình kasrt.

Căn cứ vào đặc điểm, vị trí, thời gian xuất hiện sụt lún, vết nứt trước đây, cũng như theo kết quả đo địa vật lý và khoan thăm dò, có thể xác định nguyên nhân gây sụt lún tại khu vực núi Móng Rồng như sau:

– Do đá vôi nứt nẻ, phát triển hang động karst khu vực này rất mạnh: do tác động hòa tan ăn mòn của nước theo thời gian đã làm các khe nứt trong đá vôi mở rộng dần bị hoà tan, tạo thành các hang karst ngầm trong đá vôi ở khu vực như hiện nay. Khi tốc độ vận động của nước dưới đất lớn, khu vực phân bố hang ngầm, đặc biệt là khu vực hang bị lấp cũng như các phễu karst bị lấp là các khu vực dễ bị sụt lún đất do bị mất cân bằng áp lực cũng như trạng thái ứng suất của đất đá. Với đặc điểm địa chất trên khẳng định rằng đây là khu vực có nguy cơ cao về sụt lún đất, và là một trong các nguyên nhân gây ra sụt lún khu vực này.

– Do ảnh hưởng của việc khai thác nước dưới đất: việc khai thác nước dưới đất của công ty TNHH Thương Mại và xây dựng Tân Phát Nam Hà là một trong những nguyên nhân gây nên sụt lún nền đất tại khu vực nghiên cứu. Cụ thể, từ tháng 6 năm 2018, các giếng khoan khai thác nước ngầm của công ty TNHH Thương Mại và xây dựng Tân Phát Nam Hà đi vào hoạt động thì đến cuối năm 2018 tại khu vực này bắt đầu xảy ra hiện tượng nứt tường nhà của 1-2 hộ dân, nền đất có dấu hiệu bị biến dạng, và hiện tượng này vẫn tiếp diễn ngày càng mạnh hơn. Do hiện tượng lún có nguy cơ trầm trọng hơn nên đến tháng 3 năm 2019 các giếng khai thác đã dừng hoạt động. Hiện tượng sụt lún nền đất diễn ra mạnh nhất vào khoảng tháng 7 năm 2019  và đã làm một số nhà dân rạn nứt, lún nghiêng, nền đất nứt, sụt lún mạnh, khe nứt đất rộng tới 40cm (khu vực nhà bà Nguyễn Thị Tuyết). Từ thời điểm đó đến nay, hiện tượng sụt lún giảm dần và ổn định hơn.

Từ những nguyên nhân trên, kiến nghị UBND thị trấn Kiện Khê cần tiếp tục phối hợp và các đơn vị có liên quan tiếp tục duy trì cảnh báo, mở rộng hành lang bảo vệ theo phạm vi vùng sụt lún và theo dõi thường xuyên tại khu vực sụt lún để có các giải pháp, biện pháp khắc phục kịp thời cho phù hợp.