TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương là 3 tỉnh/thành đóng một vai trò hết sức quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là những nơi có mức độ phát triển kinh tế – xã hội cao và là nơi thu hút nguồn nhân lực trên khắp mọi miền đất nước. Do có điều kiện tự nhiên thuận lợi, nên lượng khai thác nước dưới đất ngày càng gia tăng nhằm thỏa mãn các nhu cầu của xã hội. Điều này đã làm cho tài nguyên nước dưới đất một số nơi đã có dấu hiệu cạn kiệt. Đề tài “Nghiên cứu, đánh giá tính bền vững của tài nguyên nước dưới đất ở thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương” đã tiếp cận hướng nghiên cứu các chỉ số nước dưới đất nhằm đánh giá tính bền vững do khai thác nước dưới đất trong vùng với mục tiêu: Nghiên cứu ứng dụng bộ chỉ số nước dưới đất đang áp dụng phổ biến trên thế giới; Đánh giá tính bền vững tài nguyên nước dưới đất cho TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai theo các chỉ số nước dưới đất; Nghiên cứu xây dựng quy trình thực hiện và quy chế thành lập các bản đồ chỉ số đánh giá tài nguyên nước.
Kết quả đánh giá tính bền vững của tài nguyên nước dưới đất ở TPHCM, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương cho thấy toàn vùng được xếp loại bền vững. Riêng TPHCM được xếp loại không bền vững, điều này cho thấy hoạt động khai thác đã có tác động xấu đến nguồn nước dưới đất. Do có, cần có những giải pháp và quyết định cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất và chuẩn bị nguồn nước khác thay thế.
Toàn vùng được phân thành 32 khu vực tính toán theo ranh giới hành chính cấp quận/huyện/thị xã. Trong đó, có 7/12 khu vực được xếp loại không bền vững (TPHCM: 7 khu vực, Đồng Nai: 3 khu vực và Bình Dương: 2 khu vực). Đây là những khu vực tập trung dân cư, hoạt động sản xuất công nghiệp và nông nghiệp (tưới ở Đồng Nai) có nhu cầu sử dụng nước rất lớn. Vì vậy, cần giảm thiểu và kiểm soát nghiêm ngặt các hoạt động khai thác nước dưới đất trong các khu vực này và điều chỉnh bổ sung nguồn nước mặt. Các khu vực còn lại xếp loại kém bền vững và bền vững liên quan đến những nơi có nhu cầu khai thác không nhiều hoặc không khai thác nước dưới đất (các khu vực phân bố nước mặn phía nam TPHCM) tùy vùng cụ thể sẽ có những chính sách quản lý hoạt động khai thác nước dưới đất hợp lý và tăng cường nguồn nước mặt cho các hoạt động phát triển xã hội và tăng trưởng kinh tế.
Một số giải pháp được đề xuất hiện đang được các địa phương thực hiện như điều chỉnh bổ sung nguồn nước mặt ở TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai, cấm khai thác trong vùng có mạng cấp nước công cộng, hạn chế khai thác ở Dĩ An (Bình Dương), Biên Hòa (Đồng Nai)… Những giải pháp này khá phù hợp kết quả đánh giá tính bền vững của tài nguyên nước dưới đất của đề tài. Điều này cho thấy việc chọn lựa các chỉ số cho đề tài phù hợp điều kiện áp dụng vùng nghiên cứu nói riêng và áp dụng ở Việt Nam nói chung.