Sự cần thiết trong việc xây dựng bộ chỉ tiêu giám sát các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước mặt

Trong những năm qua, công tác điều tra và đánh giá tài nguyên nước mưa, nước mặt đã được nhà nước quan tâm và đầu tư một cách mạnh mẽ trên phạm vi cả nước, đặc biệt là ở các lưu vực sông lớn như hệ thống lưu vực sông Hồng, sông Mã, sông Cả, sông Đồng Nai, sông Cửu Long… và các vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam

Hiện tại có một số dự án trọng điểm đã và đang được thực hiện về lĩnh vực này gồm: dự án điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt (vùng biên giới Việt Nam – Lào thuộc lưu vực sông Mã, sông Cả); dự án điều tra xác định dòng chảy tối thiểu (lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn) và các dự án điều tra, đánh giá tổng quan tài nguyên nước kết hợp cả nước mặt và nước dưới đất (Vùng thủ đô Hà Nội, vành đai kinh tế biển ven vịnh Bắc Bộ và lưu vực sông Lô – Gâm), đồng bằng sông Cửu Long.

Để bổ sung thông tin quản lý TNN thì ngoài các điều tra cơ bản TNN, nhiệm vụ quan trắc, giám sát TNN cũng được nhà nước đặc biệt quan tâm và mạng quan trắc quốc gia TNN đã được đầu tư xây dựng từ đầu những năm 1990 đến nay. Hiện mạng quốc gia quan trắc TNN đã có 80 trạm quan trắc với 730 giếng quan trắc TNN dưới đất và 07 trạm quan trắc TNN mặt. Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia đến năm 2020” với việc xây dựng mới 78 công trình quan trắc nước mặt trên phạm vi cả nước.

Nhiệm vụ điều tra và quy hoạch TNN được thực hiện chủ yếu bởi các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Về nghiên cứu TNN thì đa dạng hơn, các đơn vị trực thuộc các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng và các địa phương cũng rất tích cực trong thực hiện các nghiên cứu liên quan đến phương pháp điều tra đánh giá và quy hoạch tài nguyên nước mặt.

Có thể thấy, xét về tổng quan thì cho đến nay công tác điều tra, kiểm kê đánh giá tài nguyên nước mặt đã được quan tâm đầu tư thực hiện. Tuy nhiên vẫn thiếu thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Hiện vẫn chưa có một chương trình hay dự án tổng thể, đồng bộ và chính thức nào về điều tra, kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước mặt trên phạm vi toàn quốc được thực hiện. Các dự án đã thực hiện về điều tra đánh giá tài nguyên nước mặt đa số mới đề cập đến mục tiêu cụ thể của dự án đó nên khi tổng hợp để cung cấp thông tin cho quản lý TNN còn nhiều hạn chế. Nguồn kinh phí thực hiện các hoạt động điều tra, khảo sát TNN cho đến nay chưa đa dạng, chủ yếu từ ngân sách nhà nước và vốn hỗ trợ ODA.

Đối với công tác giám sát, trong hàng chục năm qua, các nhà chuyên môn, các nhà quản lý thuộc một số Bộ, ngành đã quan tâm đến việc giám sát các hoạt động liên quan đến tài nguyên nước nói chung, tuy nhiên việc xây dựng một số chỉ tiêu về giám sát thường chỉ để phục vụ những yêu cầu của chuyên ngành hẹp và để giải quyết một số nhiệm vụ có tính nhất thời hoặc phục vụ từng lĩnh vực cụ thể chứ chưa đưa ra được một bộ chỉ tiêu giám sát các hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên nước mặt một cách hệ thống, đầy đủ và toàn diện đáp ứng yêu cầu cho công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước phục vụ các yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Gần đây, do yêu cầu của công tác quản lý và việc bảo đảm nguồn nước phục vụ phát triển bền vững kinh tế – xã hội của đất nước, các Bộ, ngành đã đề xuất và sử dụng một số chỉ tiêu để giám sát phục vụ đánh giá tài nguyên nước trên các lưu vực sông, vùng lãnh thổ. Ví dụ điển hình là kết quả tổng kết quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006-2010, Bộ NN&PTNT đã đề xuất một số chỉ tiêu, chỉ số để giám sát, đánh giá (từ trung ương đến địa phương) về công tác cấp nước sạch (các nguồn nước đảm bảo ăn uống, sinh hoạt); vệ sinh nông thôn (tỷ lệ được cấp nước sạch ở các hoạt động công cộng: trường học, trạm xá, bệnh viện,…); tình hình xử lý chất thải, nước thải (chăn nuôi, làng nghề);

Tuy đã được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, nhưng các chỉ tiêu về giám sát, nhìn chung, vẫn mang tính chuyên ngành, thiếu tính hệ thống, chưa đầy đủ, thậm chí nhiều chỉ tiêu chống chéo, đặc biết là rất khó thực thi trong thực tiễn và chưa đầy đủ dung lượng thông tin cần thiết để giám sát một cách hệ thống, thường xuyên và đầy đủ các nguồn nước và những tác động đến chúng, do vậy vẫn chưa thể đáp ứng được các yêu cầu của công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên nước mặt trong giai đoạn phát triển rất mạnh mẽ của kinh tế – xã hội nước ta hiện nay.

Vì vậy việc nghiên cứu cơ sở khoa học và đề xuất được bộ chỉ tiêu phù hợp để giám sát các hoạt động điều tra, đánh gia tài nguyên nước trên lưu vực sông là hết sức cần thiết.