Hòa Bình: Quản lý tài nguyên nước hợp lý, ổn định, bền vững đáp ứng sử dụng nước cho dân sinh và các ngành kinh tế

Ngày 26/5/2015, UBND tỉnh Hòa bình đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND về việc tăng cường quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình đã triển khai đồng bộ, tuyên truyền rộng rãi tới các cấp, các ngành và các tổ chức, cá nhân trong tỉnh hiểu rõ và biện pháp quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước một cách hợp lý, hiệu quả tránh thất thoát và phòng chống các tại hại của nước gây ra. Theo đó, việc lập quy hoạch tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh là rất quan trọng và cần thiết.

Theo kết quả tính toán trong báo cáo “Quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2011 – 2020 và định hướng đến năm 2025” do Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước trực thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia – Bộ TN&MT, lượng nước mưa trung bình hàng năm đạt 8,5 tỷ m3/năm, lượng dòng chảy trung bình đạt 57,5 tỷ m3/năm, trong đó có 53,1 tỷ m3 cung cáp từ ngoài tỉnh được vận chuyển bởi sông Đà, chỉ có 4,4, tỷ m3 là lượng dòng chảy sinh ra trên địa bàn tỉnh, với dân số trung bình năm tính đến năm 2020 là 870.500 người thì tỷ lệ dòng chảy bình quân trên đầu người ở Hòa Bình đạt 500 m3/người. Trữ lượng tiềm năng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh vào khoảng 790.776 m3/ngày, với tiềm năng này, tỉnh Hòa Bình được đánh giá khá phong phú về tài nguyên nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự phân bổ tài nguyên nước rất chênh lệch giữa các vùng và giữa các mùa là nguyên nhân có thể dẫn dến tình trạng thiếu hụt và suy giảm tài nguyên nước của tỉnh trong tương lai.

Dự án đã tính toán, đánh giá được hiện trạng, nhu cầu sử dụng nước của các ngành kinh tế đặc biệt là ngành nông nghiệp, sinh hoạt, thủy sản, chăn nuôi, công nghiệp… có ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển nguồn nước, cũng như thực trạng các công trình và hệ thống các công trình khai thác và sử dụng nguồn nước. Xác định được xu thế biến động tài nguyên nước trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, tổng nhu cầu sử dụng nước toàn tỉnh năm 2010 là 326,76 triệu m3/năm, đến năm 2015 và 2020 nhu cầu sử dụng nước tăng lên tương ứng là 391,06 và 423,68 triệu m3/năm. Dự kiến, đến năm 2025 tỉnh Hòa Bình sẽ cần 430,52 triệu m3/năm để đảm bảo, duy trì tốc độ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Trong đó, nhu cầu cho ngành nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đến là nhu cầu nước cho thủy sản, công nghiệp và sinh hoạt.

TDHB

Các phương án quy hoạch khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước cũng được đề xuất. Từ phương án này, có thể thấy được bức tranh tổng thể về tài nguyên nước trên địa bàn toàn tỉnh. Xác định được các khả năng thiếu nước trong các kỳ quy hoạch theo phương án khai thác, sử dụng được lựa chọn. Phương án này đảm bảo 100% nhu cầu nước cho sinh hoạt và hạn chế mức thiếu nước thấp nhất cho các ngành nghề khác, đồng thời đảm bảo nhu cầu nước cho môi trường trên sông chính. Trong giai đoạn quy hoạch cần tiến hành các dự án điều tra, tìm kiếm tài nguyên nước dưới dất để bổ sung, thay thế dần nước mặt trong các hoạt động sinh hoạt và công nghiệp cũng như giải quyết một phần nhu cầu từ ngành chăn nuôi.

Kết quả của dự án đã xác định được những tồn tại, các vấn đề trong khai thác, sử dụng, phát triển, bảo vệ tài nguyên nước, qua đó đã có những đề xuất về các giải pháp quản lý khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nướ nhằm phát triển bền vững tài nguyên nước phụ vụ phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường trên địa bàn toàn tỉnh./.

(Mai Phú Lực – Trung tâm Dữ liệu tài nguyên nước)