Đề tài khoa học “Nghiên cứu xây dựng bộ bản đồ chuẩn trong công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước”

Đề tài khoa học “Nghiên cứu xây dựng bộ bản đồ chuẩn trong công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước” do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia làm Chủ đầu tư, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc thực hiện từ năm 2010 đến năm 2012, TS. Tống Ngọc Thanh làm Chủ nhiệm đề tài.

1. Mục tiêu của đề tài khoa học:

– Xác lập nội dung, trình tự của công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước.

– Xác lập nội dung và phương pháp xây dựng bộ bản đồ tài nguyên nước trong công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước.

– Xây dựng thử nghiệm bộ bản đồ chuẩn trong công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước cho một khu vực hay một vùng lãnh thổ.

2. Nhiệm vụ của đề tài

– Thu thập, tổng hợp phân tích các tài liệu có liên quan đến công tác nghiên cứu của đề tài. Thực hiện nội dung này là thu thập các tài liệu kỹ thuật, các văn bản pháp lí có liên quan với khối lượng 4 tháng công tổ.

– Tổng hợp phân tích các tài liệu có liên quan đến công tác nghiên cứu của đề tài. Thực hiện nội dung này có 3 nghiên cứu chuyên đề.

– Nghiên cứu, đánh giá tổng quan về hiện trạng quy trình kỹ thuật, mạng lưới điều tra, đánh giá tài nguyên nước; về phương pháp, nội dung và cách thể hiện bộ bản đồ tài nguyên nước trên thế giới và trong nước. Thực hiện nội dung này có 2 nghiên cứu chuyên đề.

– Nghiên cứu xây dựng bộ bản đồ chuẩn trong công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất ứng với các mức độ điều tra chi tiết khác nhau. Thực hiện nội dung này có 4 chuyên đề nghiên cứu.

– Nghiên cứu xây dựng bộ bản đồ chuẩn trong công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt tương ứng với các mức độ điều tra chi tiết khác nhau. Thực hiện nội dung này có 4 chuyên đề nghiên cứu

3. Kết quả đạt được

* Kết quả nghiên cứu xây dựng bộ bản đồ chuẩn trong điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất thể hiện như sau:

– Đề xuất được hệ phương pháp, mật độ mạng lưới và điểm điều tra khảo sát khi điều tra, đánh giá tổng quan và sơ bộ tài nguyên nước dưới đất phục vụ xây dựng bộ bản đồ chuẩn các tỷ lệ 1: 200.000, 1: 100.000 và 1: 50.000;

– Đề xuất được các loại trữ lượng nước dưới đất cần xác định và thể hiện trên bản đồ tài nguyên nước dưới đất ở các giai đoạn điều tra, đánh giá tổng quan và sơ bộ nước dưới đất và đề xuất các phương pháp nghiên cứu chúng phục vụ xây dựng bộ bản đồ chuẩn các tỷ lệ 1: 200.000, 1: 100.000 và 1: 50.000;

– Đề xuất được các loại bản đồ tài nguyên nước dưới đất cần thành lập theo kết quả điều tra, đánh giá nước dưới đất các giai đoạn khác nhau. Cụ thể là kết quả điều tra, đánh giá tổng quan cần xây dựng: bản đồ tài liệu thực tế, bản đồ địa chất thủy văn, bản đồ chất lượng nước và bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1: 200.000 hoặc 1: 100.000; kết quả điều tra, đánh giá sơ bộ, ngoài các bản đồ cần thành lập tương tự như trên còn thành lập thêm bản đồ mức độ tự bảo vệ nước dưới đất ở tỷ lệ 1: 50.000;

– Đã tổng hợp xây dựng được nội dung, cách thể hiện các bản đồ địa chất thủy văn trên thể giới và ở nước ta theo 2 trường phái khác nhau; đã tổng hợp xây dựng nội dung, cách thể hiện các bản đồ trong bộ bản đồ tài nguyên nước dưới đất như bản đồ chất lượng nước dưới đất, bản đồ tài nguyên nước dưới đất để áp dụng vào việc thành lập các bản đồ trong điều tra, đánh giá tổng quan và sơ bộ nước dưới đất.

* Kết quả nghiên cứu xây dựng bộ bản đồ chuẩn trong điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt thể hiện như sau:

– Đã tổng hợp được nội dung, phương pháp, cách thể hiện các bản đồ tài nguyên nước mặt trên thể giới và ở nước ta để từ đó áp dụng vào tình hình cụ thể của giai đoạn hiện nay;

– Đề xuất được hệ phương pháp, mật độ mạng lưới và điểm điều tra khảo sát khi điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt phục vụ xây dựng bộ bản đồ chuẩn các tỷ lệ 1: 200.000, 1: 100.000 và 1: 50.000;

– Đề xuất được các loại bản đồ tài nguyên nước mặt cần thành lập theo kết quả điều tra, đánh giá nước mặt. Cụ thể là kết quả điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt cần phải xây dựng ba loại bản đồ: bản đồ tài liệu thực tế điều tra tài nguyên nước mặt, bản đồ tài nguyên nước mặt và bản đồ hiện trạng chất lượng nước mặt;

– Đã đề xuất được các yêu cầu, nội dung, cách thể hiện về nội dung và hình thức các bản đồ tài nguyên nước mặt các tỷ lệ khác nhau đã nêu ở trên.