Đề tài “Nghiên cứu mô hình trữ nước mưa bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất bảo đảm phát triển kinh tế xã hội các đảo khu vực Đông Bắc Việt Nam; Thử nghiệm ở đảo Quan Lạn”

Đề tài “Nghiên cứu mô hình trữ nước mưa bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất bảo đảm phát triển kinh tế xã hội các đảo khu vực Đông Bắc Việt Nam; Thử nghiệm ở đảo Quan Lạn” do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia làm Chủ đầu tư, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc thực hiện từ năm 2011 đến năm 2013, ThS. Triệu Đức Huy làm Chủ nhiệm đề tài.

1. Mục tiêu của đề tài:

– Xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc lưu trữ nước mưa bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất các đảo Đông Bắc Việt Nam.

– Xác lập được mô hình thích hợp trữ nước mưa bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất trên đảo Quan Lạn.

2. Nhiệm vụ của đề tài:

– Nghiên cứu các mô hình lưu trữ nước mưa bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất các vùng ven biển và hải đảo trên thế giới nhằm lựa chọn mô hình thích hợp cho các đảo vùng biển Đông Bắc của Việt Nam.

– Nghiên cứu đặc điểm địa hình, địa mạo, cấu trúc địa chất, địa chất thủy văn ở các đảo vùng Đông Bắc, xác định các đảo có khả năng lưu trữ nước mưa, bổ sung cho nước dưới đất.

– Nghiên cứu đặc điểm nước mưa, tổng lượng dòng mặt để tính toán công trình lưu trữ nước ở các đảo có khả năng bổ sung nhân tạo.

– Xây dựng mô hình phù hợp cho đảo Quan Lạn để ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, hạn chế thấp nhất tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và mưa, bão bất thường, không theo quy luật,…

– Ứng dụng phương pháp đồng vị phóng xạ để xác định quy luật, tốc độ dòng thấm bổ sung nhân tạo cho tầng chứa nước.

– Đánh giá hiệu quả của công trình và khả năng khai thác bền vững khi có biến đổi khí hậu và nước biển dâng;

3. Kết quả đạt được:

– Kết quả nghiên cứu của đề tài đã hệ thống hóa được các phương pháp bổ sung nhân tạo nước dưới đất được áp dụng trên thế giới và Việt Nam từ đó luận chứng các giải pháp bổ sung nhân tạo nước dưới đất phù hợp với điều kiện thực tiễn các đảo Đông Bắc Việt Nam.

– Đề tài đã xác lập được các cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc lưu trữ nước mưa bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất các đảo Đông Bắc Việt Nam bao gồm các cơ sở về điều kiện địa chất, địa mạo, địa chất thủy văn, địa chất công trình, cơ sở về tài nguyên nước, cơ sở về hiện trạng khai thác sử dụng tài nguyên nước và cơ sở về điều kiện kinh tế xã hội các đảo. Trên cơ sở các giải pháp công nghệ bổ sung nhân tạo nước dưới đất đã được áp dụng trên thế giới và trong nước, căn cứ vào các cơ sở khoa học và thực tiễn đã được xác lập, đề tài đã lựa chọn 6 giải pháp công nghệ lưu trữ nước mưa bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất cho các đảo Đông Bắc Việt Nam.

– Kết quả nghiên cứu cũng đã xác định được tổng lượng nước sinh ra từ mưa tại các đảo vùng Đông Bắc Việt Nam khoảng 609,55 triệu m3 hàng năm. Kết quả trên có thể nói là nguồn nước khá dồi dào, là nguồn cung cấp nước trực tiếp cho các hồ trên đảo và nước dưới đất. Tuy nhiên lượng mưa thường phân bố không đều nên nước thường chảy tràn trên mặt và chảy ra biển. Do đó cần có những giải pháp thích hợp để thu gom nước mưa tích trữ vào các hồ chứa, mặt khác bổ sung nhân tạo tăng cường trữ lượng nước dưới đất và cải thiện chất lượng nước.

– Tổng lượng dòng chảy mặt trên các đảo vùng Đông Bắc Việt Nam cũng xác định được khoảng 244 triệu m3. Từ các điều kiện địa chất, địa chất thủy văn và lượng mưa hàng tháng chúng tôi đã tính toán được khả năng trữ nước mưa từ các hồ trên các đảo vùng Đông Bắc theo từng tháng.