Tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng bản đồ nước dưới đất

vv23Sáng 1/3, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai làm việc với Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước về việc xây dựng các maket bản đồ nước dưới đất. Đây là đề tài khoa học công nghệ được Trung tâm đề xuất thực hiện từ năm 2008.

Tại buổi làm việc, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước miền Bắc Tống Ngọc Thanh (Chủ nhiệm đề tài) đã trình bày tổng quan về bản đồ tài nguyên nước dưới đất trên thế giới. Theo đó, bản đồ tài nguyên nước dưới đất dược thành lập ở nhiều tỷ lệ khác nhau và trên đó đều thể hiện trữ lượng nước có thể khai thác hoặc mức độ chưa nước của vùng đó. Các bản đồ phần lớn đều làm theo đơn đặt hàng nên trên bản đồ thể hiện các thông số theo yêu cầu của khách hàng chứ chưa có một quy phạm chung, thống nhất.

Theo Chủ nhiệm đề tài Tống Ngọc Thanh, ở Việt Nam hiện mới chỉ có bản đồ địa chất thủy văn được thành lập theo nguyên tắc địa tầng địa chất thủy văn; bản đồ địa chất thủy văn được thành lập theo nguyên tắc dạng tồn tại của nước dưới đất và bản đồ địa chất thủy văn được thành lập theo nguyên tắc thành hệ kết hợp với dạng tồn tại. Hạn chế của các loại bản đồ này là khó đọc và khó sử dụng cho các nhà làm công tác quản lý và công tác chuyên môn.

Trong đề tài nghiên cứu này, các chuyên gia đã đề xuất thành lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1/200.000, 1/100.000 và 1/50.000.

Theo ý kiến của các đại biểu tham dự buổi làm việc, cần thiết phải viết lại đề tài trong đó nêu bật được sự cần thiết của việc thành lập bản đồ nước dưới đất, tổng quan về bản đồ nước dưới đất ở các nước trên thế giới và Việt Nam, so sánh sự khác nhau giữa bản đồ địa chất thủy văn và bản đồ nước dưới đất. Đặc biệt là, trên bản đồ nước dưới đất phải thể hiện được giá trị khai thác nước dưới đất của từng vùng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai đề nghị, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước cần chỉ đạo các đơn vị thực hiện đề tài tiếp tục nghiên cứu, bám sát các văn bản của Bộ TN&MT đã ban hành, xem xét và tham khảo thêm kinh nghiệm của các nước Thái Lan, Philipin… trong khi viết đề tài. Muốn vậy, Trung tâm cần có sự phối hợp với các chuyên gia có kinh nghiệm, hoàn thiện maket bản đồ trình lãnh đạo Bộ. Lãnh đạo Bộ luôn quan tâm và chỉ đạo sát sao để Việt Nam sớm có bản đồ nước dưới đất trong công tác quản lý, điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

 

 vv24

 

 

(Theo Monre.gov.vn)