Đảng bộ Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia: Đoàn kết, nhất trí hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị

anh_AThanh_gui_Bao_TNMT_DH_Dang_bo_TT_resize

Ngày 24/4, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia tổ chức Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 – 2020 nhằm đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Trung tâm lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2010 – 2015 và triển khai phương hướng nhiệm vụ 5 năm tới.

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường, ông Tống Ngọc Thanh – Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia cho biết: 5 năm qua, Đảng ủy Trung tâm đã coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác cán bộ và xây dựng tổ chức cơ sở đảng; làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, tạo sự đoàn kết thống nhất, động viên cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ vượt qua khó khăn để xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.

Phóng viên: Thưa ông, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, nhiệm kỳ 2010 – 2015, Trung tâm và các đơn vị trực thuộc đã nỗ lực phấn đấu triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra và đạt được những kết quả quan trọng phục vụ công tác QLNN về TNN. Ông có thể khái quát một số kết quả đạt được?  

Ông Tống Ngọc Thanh: – Trong nhiệm kỳ 2010 – 2015, Đảng ủy Trung tâm đã chỉ đạo sát sao và lãnh đạo thực hiện hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chuyên môn của Trung tâm.

Cụ thể: Trong 5 năm, công tác quy hoạch tài nguyên nước đã được quan tâm và đầu tư nhiều hơn. Trung tâm đã thực hiện 03 dự án quy hoạch tài nguyên nước cụ thể là quy hoạch tài nguyên nước Đảo Phú Quốc, quy hoạch tài nguyên nước vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và quy hoạch quản lý sử dụng tài nguyên nước và bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy đến năm 2015 và định hướng đến 2020”. Kết quả của các dự án trên đã đóng góp vào việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý và trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quy hoạch tài nguyên nước.

Trung tâm cũng đã hoàn thành việc lập đề án “Quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông liên tỉnh” để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ. Đây là đề án có quy mô lớn, có định hướng dài, có phạm vi bao trùm toàn bộ diện tích lãnh thổ Việt Nam. Khi hoàn thành sẽ lập được quy hoạch tổng thể về tài nguyên nước lãnh thổ, trong đó chú trọng các giải pháp khai thác sử dụng, quản lý tổng hợp và bảo vệ tài nguyên nước đảm bảo các tiêu chí hiệu quả và bền vững ở toàn bộ các lưu vực sông lớn của Việt Nam.

Cùng với đó, công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước của Trung tâm được xem là nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm và được triển khai thực hiện tương đối sâu rộng và đồng bộ trong toàn Trung tâm, ngày càng được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng về mọi mặt. Trung tâm đã và đang thực hiện một số dự án trọng điểm về công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước mặt với các tỷ lệ điều tra từ 1:200.000 đến 1:25.000 như: Dự án điều tra, đánh giá tài nguyên nước lưu vực các sông biên giới Việt Nam – Lào thuộc lưu vực sông Mã, sông Cả; dự án điều tra xác định dòng chảy tối thiểu lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và 03 dự án điều tra, đánh giá tổng quan tài nguyên nước kết hợp cả nước mặt và nước dưới đất (Vùng thủ đô Hà Nội, vành đai kinh tế biển ven vịnh Bắc Bộ, lưu vực sông Lô- Gâm).

Các nhiệm vụ điều tra cơ bản tài nguyên nước dưới đất đã được Trung tâm thực hiện theo các quy định của lĩnh vực tài nguyên nước, phù hợp với các yêu cầu quản lý và khai thác sử dụng tài nguyên nước. Chẳng hạn như, Trung tâm đã lập bản đồ địa chất thuỷ văn – bản đồ địa chất công trình tỷ lệ 1:50.000 vùng Vị Thanh – Long  Mỹ, tỉnh Hậu Giang; điều tra, lập bản đồ địa chất thuỷ văn tỷ lệ 1:50.000 các vùng Ninh Thuận và Bình Thuận; đánh giá tổng quan tài nguyên nước dưới đất trên diện tích 15 tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ, phần lớn diện tích vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng Sông Cửu Long, tiến tới hoàn thiện biên hội bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:200.000 toàn quốc phục vụ các yêu cầu về quy hoạch tài nguyên nước, định hướng kế hoạch điều tra tài nguyên nước và phục vụ các yêu cầu quản lý nhà nước về tài nguyên nước.

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của mạng quan trắc quốc gia tài nguyên nước trong việc đảm bảo thông tin phục vụ quản lý tài nguyên nước, Trung tâm đã tiến hành rà soát mạng lưới hiện tại, đề xuất xây dựng mới mạng lưới quan trắc quốc gia tài nguyên nước dưới đất ở vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và xây dựng 07 trạm quan trắc tài nguyên nước mặt ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Hàng năm, Trung tâm chỉ đạo các đơn vị thực hiện nhiệm vụ thường xuyên “Quan trắc quốc gia tài nguyên nước” tại 43 trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất (707 công trình) và 07 trạm quan trắc tài nguyên nước mặt theo đúng yêu cầu kỹ thuật.

Công tác quan trắc được duy trì, số liệu quan trắc được tổng hợp, xử lý kịp thời giúp cho công tác dự báo, cảnh báo tài nguyên nước được thường xuyên, cơ sở dữ liệu quan trắc được cập nhật bổ sung đáp ứng yêu cầu trong quản lý về tài nguyên nước.

Công tác hợp tác quốc tế trong 5 năm qua đã được Trung tâm quan tâm hết sức quan tâm và ngày càng mở rộng. Nhiều dự án, hội thảo quốc tế đã được triển khai và tổ chức thành công góp phần vào việc tăng cường chia sẻ thông tin và thúc đẩy hợp tác giữa các đơn vị trong nước và quốc tế, từ đó từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và vị thế lĩnh vực tài nguyên nước của Việt Nam.

Phóng viên: Ông có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành của Đảng bộ để có được những kết quả trên đây?

Ông Tống Ngọc Thanh: – Đảng ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của Trung tâm. Kết quả trên đây, trước hết là nhờ tập thể Ban Thường vụ, Đảng ủy Trung tâm và các cấp ủy trực thuộc luôn sâu sát thực tế, năng động, sáng tạo, trong việc vận dụng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước vào hoàn cảnh cụ thể của Trung tâm, từ đó đề ra những nhiệm vụ, giải pháp sát, đúng, phù hợp với hoàn cảnh thực tế.

Hai là, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của các cấp ủy và tổ chức đảng trên mọi lĩnh vực; chú trọng công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể  trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng; tôn trọng và phát huy quyền làm chủ, chăm lo đến lợi ích chính đáng của cán bộ, đảng viên và người lao động.

Ba là, các cấp ủy Đảng thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu; tăng cường xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng.

Bốn là, chủ động tập trung giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm mang tính chất đột phá để đảm bảo tiến độ, chất lượng các đề tài, dự án, nhiệm vụ được nhà nước giao; kịp thời bổ sung, sửa đổi các quy chế quản lý nội bộ để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành…

Năm là, phát huy cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có của Trung tâm, kết hợp với sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy Bộ TN&MT và sự giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương, Trung tâm luôn tăng cường các mối quan hệ, nắm bắt thông tin để mở rộng nhiệm vụ chuyên môn và sản xuất dịch vụ, nhằm tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho cán bộ, viên chức lao động.

Sáu  là, tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; không ngừng nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành của các tổ chức, đơn vị trực thuộc; củng cố và xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức ngày càng có chất lượng cao đảm bảo đủ sức thực hiện mọi nhiệm vụ trong tình hình mới nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật và nghiên cứu khoa học công nghệ.

Phóng viên: Đại hội Đảng bộ Trung tâm nhiệm kỳ 2015 – 2020 đặt ra nhiều nhiệm vụ quan trọng, theo ông cần có những giải pháp gì để duy trì kết quả đạt được và tiếp tục phát triển bền vững?

Ông Tống Ngọc Thanh: Phát huy truyền thống đoàn kết và những kết quả đã đạt được, 5 năm tới, Trung tâm xác định đứng trước nhiều thời cơ, vận hội mới, quyết tâm tạo đột phá trong xây dựng và phát triển. Yêu cầu đặt ra đối với việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ tới cần phải nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ, quyết liệt hơn, cần phải nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng; phát huy vai trò, tính tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt công tác quy hoạch, điều tra cơ bản, quan trắc và dự báo TNN nhằm phục vụ cho công tác quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ TNN theo phương thức tổng hợp, toàn diện, bền vững và hiệu quả cao, bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia cho trước mắt và lâu dài… Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng, xây dựng phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, bám sát thực tiễn, nói đi đôi với làm. Sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của cấp ủy theo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của tập thể, cá nhân; quy định rõ những nhiệm vụ do ban thường vụ, cấp ủy được quyết định; xử lý kịp thời những công việc đột xuất và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình; đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, nhất là của chi bộ; tăng cường kỷ cương trong sinh hoạt đảng; gắn xây dựng tổ chức đảng và xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh; tăng cường công tác cán bộ và bảo vệ chính trị nội bộ; nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát; giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng; bảo đảm chất lượng, hiệu quả công tác dân vận và lãnh đạo các đoàn thể.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

(Theo Báo Tài nguyên và Môi trường)