Họp xây dựng đề cương Đề án: “Điều tra, đánh giá, lập bản đồ tài nguyên nước tỷ lệ 1/100.000 lãnh thổ Việt Nam”

Sáng ngày 05/05/2021 tại trụ sở Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Tổng Giám đốc Tống Ngọc Thanh đã chủ trì cuộc họp về xây dựng đề cương Đề án: “Điều tra, đánh giá, lập bản đồ tài nguyên nước tỷ lệ 1:100.000 lãnh thổ Việt Nam”. Tham dự cuộc họp có các Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo các ban: Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Điều tra tài nguyên nước, lãnh đạo Trung tâm Dữ liệu tài nguyên nước và các đơn vị liên quan.

Báo cáo về đề cương Đề án, ông Đào Trọng Tú, – Ban Điều tra tài nguyên nước cho biết: Tài nguyên nước đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, tài nguyên nước đang phải đối mặt với sự suy giảm nghiêm trọng cả về số lượng và chất lượng, tác động rất mạnh mẽ của biến đổi khí hậu (BĐKH) nước biển dâng, việc khai thác ở thượng nguồn phía ngoài biên giới, tình trạng ô nhiễm nguồn nước do các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người gây ra, tài nguyên nước của Việt Nam đã và đang có dấu hiệu suy thoái, cạn kiệt, an ninh nguồn nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đe doạ sản xuất, đời sống nhân dân và các ngành kinh tế. Để khai thác hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên nước quý giá của quốc gia, ngăn chặn đà suy thoái, cạn kiệt và tiến tới phục hồi các nguồn nước cho phát triển kinh tế, xã hội lâu bền, trước hết, các cơ quan Nhà nước cần nắm rõ thông tin, dữ liệu về nguồn nước ở cả quy mô quốc gia và các lưu vực sông, địa bàn hành chính.Tuy nhiên, hiện trạng thông tin, dữ liệu tài nguyên nước trên lãnh thổ hiện nay chỉ dựa trên số liệu điều tra, đánh giá, quan trắc tài nguyên nước phân tán và không đồng bộ, phần lớn tài liệu điều tra cơ bản về tài nguyên nước đã được thực hiện cách đây hơn 10 năm, việc đánh giá, cập nhật lại chưa được kịp thời, trong khi đó, trước tác động của BĐKH, khai thác sử dụng thiếu kiểm soát, quy luật biến động tài nguyên nước khó đoán định đã đặt ra thách thức lớn cho công tác quản lý tài nguyên nước, các biểu hiện suy giảm nhiều về trữ lượng và chất lượng nguồn nước so với những con số đã được công bố ở thời điểm điều tra, đánh giá trước đây ngày càng được thể hiện rõ.

Phạm vi thực hiện của Đề án bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên lãnh thổ Việt Nam; Đối tượng thực hiện: Đối với tài nguyên nước mặt: là các sông suối, hồ chứa, công trình khai thác sử dụng nước mặt trên các lưu vực thuộc lãnh thổ Việt Nam, Đối với tài nguyên nước dưới đất: là các tầng chứa nước trên toàn bộ diện tích tự nhiên thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Mục tiêu của đề án: Xác định được đặc điểm phân bố (nước mặt, nước dưới đất), tiềm năng, trữ lượng và chất lượng các nguồn nước; đánh giá được khả năng đáp ứng của các nguồn nước cho phát triển kinh tế – xã hội và quốc phòng an ninh; Thành lập được bộ bản đồ tài nguyên nước tỷ lệ 1:100.000 lãnh thổ Việt Nam; Thiết lập được hệ thống lưu trữ, quản lý thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước trên nền tảng số; bảo đảm sẵn sàng kết nối, trao đổi, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

Nội dung, nhiệm vụ chủ yếu: Xây dựng quy trình, bộ công cụ chuyển đổi số trong công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước; bộ công cụ thu nhận, xử lý thông tin dữ liệu và hệ thống lưu trữ, khai thác dữ liệu số về tài nguyên nước; Thu thập, tổng hợp, chuẩn hóa thông tin, tài liệu, dữ liệu tài nguyên nước và tích hợp vào hệ thống lưu trữ, khai thác dữ liệu số về tài nguyên nước; Điều tra, khảo sát, đo đạc bổ sung; phân tích, đánh giá tài nguyên nước và khả năng đáp ứng nguồn nước cho các mục đích phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh; Biên tập, xây dựng và hoàn thiện bộ bản đồ tài nguyên nước tỷ lệ 1:100.000 lãnh thổ Việt Nam; Tổng hợp kết quả điều tra, đánh giá, lập bản đồ tài nguyên nước của Đề án; kết nối, trao đổi thông tin, dữ liệu tài nguyên nước với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung ý kiến góp ý nhằm nâng cao chất lượng đề án

Kết luận tại cuộc họp, ông Tống Ngọc Thanh – Tổng Giám đốc Trung tâm cũng nhất trí với ý kiến của các đại biểu và yêu cầu Ban Điều tra tài nguyên nước phối hợp với các đơn vị để xác định rõ kế hoạch chi tiết xây dựng đề cương và cần tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện, gửi đề cương xin ý kiến các đơn vị trực thuộc Bộ, đồng thời gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường xin ý kiến của các Bộ, ngành và các địa phương trong thời gian sớm nhất

Một số ảnh tại cuộc họp: