Họp trực tuyến Hội đồng thẩm định Báo cáo kết quả thực hiện Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các khu đô thị lớn” – Giai đoạn II, đô thị Rạch Giá

Chiều ngày 13/09/2021 tại trụ sở Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã diễn ra cuộc họp trực tuyến Hội đồng thẩm định Báo cáo kết quả thực hiện Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các khu đô thị lớn” – Giai đoạn II, đô thị Rạch Giá. Chủ trì cuộc họp là Phó Tổng giám đốc Triệu Đức Huy, cùng tham dự cuộc họp có Tổng giám đốc Tống Ngọc Thanh, đại diện Ban Điều tra tài nguyên nước, Ban Kế hoạch – Tài chính, Ban Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam và các chuyên gia địa chất thủy văn.

                                          Phó Tổng giám đốc Triệu Đức Huy chủ trì cuộc họp trực tuyến.

Báo cáo tại cuộc họp, Chủ nhiệm đề án Lê Văn Chung cho biết, Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” – Giai đoạn II; Đô thị Rạch Giá được phê duyệt theo Quyết định số 3071/QĐ-BTNMT ngày 02 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt nội dung và dự toán Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” – Giai đoạn II; và được điều chỉnh theo Quyết định số 199/QĐ-BTNMT ngày 01 tháng 02 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt điều chỉnh nội dung và dự toán Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” – Giai đoạn II. Do Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước miền Nam thi công trong năm 2021. Qua 01 năm triển khai đã hoàn thành khối lượng được phê duyệt, lập báo cáo tổng kết theo quy định.

Đề án được thực hiện với mục tiêu đánh giá nguồn nước dưới đất ở đô thị Rạch Giá, đề xuất các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ, phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu tình trạng cạn kiệt, nhiễm mặn và sụt lún do khai thác nước dưới đất cho đô thị Rạch Giá. Các kết quả chính đạt được như sau:

Đã đánh giá được các đặc điểm của tài nguyên nước liên quan đến đề xuất các giải pháp bảo vệ nước dưới đất đô thị Rạch Giá:

– Cấu trúc ĐCTV: đô thị Rạch Giá có 6 tầng chứa nước lỗ hổng là qh, qp3, qp2-3, qp1, n22 và n21; đan xen giữa các tầng chứa nước là các thành tạo rất nghèo nước là Q2, Q13, Q12-3, Q11, N22, N21. Kết quả nghiên cứu đã xác định được diện phân bố, thành phần thạch học, mức độ chứa nước, phân bố nước mặn/nhạt, đặc tính thủy lực, diễn biến mực nước và khả năng khai thác sử dụng của các tầng chứa nước.

– Trữ lượng nước dưới đất: được xác định dưới sự hỗ trợ của mô hình dòng chảy nước dưới đất, kết quả tính toán các loại trữ lượng như sau: tổng tiềm năng tài nguyên nước dưới đất là 63.844m3/ngày, tiềm năng nước dưới đất nhạt là 38.494 m3/ngày, trữ lượng có thể khai thác nước nhạt là 11.797m3/ngày.

– Chất lượng nước dưới đất: được đánh giá theo QCVN 09-MT:2015/BTNMT cho thấy diện tích phân bố tầng chứa nước mặn, nhạt của các tầng chứa nước thay đổi so với kết quả nghiên cứu giai đoạn trước; các tầng chứa nước n22 và n21 mặn hoàn toàn; tầng qp1 mở rộng diện phân bố nước nhạt về phía Bắc; tầng qp2-3 nhạt hoàn toàn; tầng qp3 mở rộng diện tích nhạt về phía Bắc và thu hẹp ở phía Tây và Đông. Kết quả đánh giá chất lượng nước cho thấy tầng qp2-3 có 6/22 mẫu đánh giá có dấu hiệu ô nhiễm nhóm hợp chất Nito ở khu vực phía Bắc vùng nghiên cứu.

– Đánh giá được hiện trạng khai thác nước dưới đất: Vùng không khai thác nước tập trung, chỉ khai thác công trình quy mô nhỏ lẻ tại 3.107 giếng khai thác với lưu lượng 2.101m3/ngày. Các giếng dự phòng chỉ khai thác trong mùa khô nếu xảy ra hạn mặn kéo dài.

– Đánh giá được tác động của việc khai thác nước dưới đất đến các tầng chứa nước:

Đã đề xuất được các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ, phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu tình trạng cạn kiệt, nhiễm mặn và sụt lún do khai thác NDĐ cho đô thị Rạch Giá:

– Khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất: khoanh được các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất cho 5 tầng chứa nước nhạt là là qp3, qp2-3, qp1, n22, n21 và n13.

– Xây dựng phương án khai thác sử dụng nước dưới đất hợp lý: giảm dần lượng khai thác nhỏ lẻ theo lộ trình đến năm 2030. Sau năm 2030 ngừng khai thác; Đưa vào khai thác tại 10 giếng dự phòng của Công ty cấp thoát nước Kiên Giang trong 3 tháng mùa khô với công suất 10.000m3/ngày nhằm đảm bảo cấp nước an toàn khi hạn mặn xảy ra. Các giếng khai thác này được quy hoạch khai thác đến năm 2050.

– Phân vùng khả năng bổ sung nhân tạo cho các tầng chứa nước, xác định thứ tự ưu tiên và đề xuất sơ đồ bổ sung nhân tạo tại vị trí ứu tiên: Trên cơ sở các vấn đề cần bảo vệ, báo cáo lựa chọn 3 tầng chứa nước qp3, qp2-3, qp1 xây dựng phương án phục hồi nước dưới đất. Căn cứ vào đặc điểm địa chất thủy văn 3 tầng chứa nước trên, liên đoàn sử dụng phương pháp bổ sung nhân tạo là bổ cập dưới dạng chảy trọng lực của lỗ khoan. Tiêu chí phân vùng khả năng bổ sunng nhân tạo xác định theo bề dày tầng chứa nước, hệ số thấm tầng chứa nước và chiều sâu mực nước tĩnh. Nguồn nước sử dụng để bổ sung nhân tạo là nguồn nước mặt từ các kênh rạch.

– Khoanh định đới phòng hộ, bảo vệ các công trình khai thác sử dụng nước dưới đất: khoanh được 3 đới bảo hộ vệ sinh cho 13 lỗ khoan khai thác nước dưới đất dự phòng cấp nước sinh hoạt có quy mô lưu lượng ≥10 m3/ngày:

– Đề xuất mạng lưới quan trắc, giám sát các tầng chứa nước cần bảo vệ: đã thiết kế hoàn chỉnh mạng lưới quan trắc, giám sát tài nguyên nước theo các mục tiêu quan trắc đông thái nước dưới đất, giám sát sự cạn kiệt và xâm nhập mặn của các tầng chứa nước, bao gồm 4 điểm/11 công trình quan trắc được bố trí trên 1 tuyến quan trắc.

Tại cuộc họp thì các thành viên hội đồng cho rằng cơ bản đề án có nội dung phong phú, viết chi tiết, rõ ràng, có cơ sở khoa học, luận chứng; sản phẩm đầy đủ; tính cấp thiết cao; bố cục hợp lý, đạt được mục tiêu của đề án. Tuy nhiên để tiếp tục hoàn thiện thì cần tiếp thu bản góp ý chi tiết của các thành viên hội. Sau đây là một số góp ý chính:

PGS.TS. Nguyễn Văn Đản cho rằng. Đối với chương 1 tài liệu khí tượng ngắn cần bổ sung; đồ thị minh họa nên minh họa trung bình nhiều năm; đặc điểm thủy văn bổ sung số liệu mực nước, lưu lượng, chất lượng nước, đặc trung mùa lũ, mùa cạn; bổ sung đặc điểm Hải văn. Chương 2 kết quả thi công lấy mẫu ít, không có mẫu kiểm tra; đối với hai chùm thí nghiệm bổ sung thêm sơ đồ chùm cả mặt bằng và mặt cắt; viết hơi dài vì vậy nên lược bớt phần kết quả công tác điều tra.

Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Lâm, tên đề án không đúng với bản chất của đề án cần xem xét lại; xác định phạm vi nghiên cứu của đô thị Bạc Liêu cần phải thống nhất tiêu chí đưa ra luận giải; đánh giá chất lượng nước cân làm rõ con đường, phương thức, các nguồn gây ô nhiễm tầng chứa nước; thống nhất thang phân mức độ chứa nước của tầng chứa nước; bổ sung thêm phân vùng nguy cơ ô nhiễm, đề án mới phân vung mức độ ô nhiễm; bản đồ cần thống nhất về màu sắc, đưa các số liệu, kết quả đo đạc vào.

Cũng theo PGS.TS. Đoàn Văn Cánh cho biết, cần xem xét, rà soát lại phần tính tài nguyên và trữ lượng tài nguyên nước.

PGS.TS. Phạm Qúy Nhân cho rằng, các trích dẫn trong báo cáo chưa cụ thể, rõ ràng; phần tổng quan bổ sung biểu đồ khí tượng, thủy văn từ các số liệu đã thu thập. Nêu rõ phương pháp thực hiện sử dụng máy móc gì, cách làm như thế nào ở các dạng công tác; bổ sung sơ đồ lỗ khoan khoan hút nước.

Đại diện Ban điều tra tài nguyên nước Phạm Bá Quyền cho biết, Vấn đề suy giảm mực nước dưới đất cần làm rõ cho từng giai đoạn trước và sau khi giếng khai thác nước tập trung ngừng hoạt động; phân tích mối quan hệ giữa lưu lượng khai thác và các độ thủy đẳng mực nước tại các tầng chứa nước để thấy rõ được việc điều chỉnh lưu lượng khai thác; đánh giá mực độ suy giảm cần tổng hợp các số liệu mực nước tại các giếng khai thác nước tập trung để thấy rõ việc dừng và điều chỉnh lưu lượng khai thác. Giải pháp khoanh vùng hạn chế nước dưới đất yêu cầu rà soát lại chiều sâu hạn chế.

Kết luận tại cuộc họp, Phó Tổng giám đốc Triệu Đức Huy cảm ơn thành viên hội đồng và đề nghị trên cơ sở các ý kiến góp ý tại cuộc họp, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam cùng tập thể tác giả tiếp thu triệt để, cùng phối hợp với ban chuyên môn bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm.