Công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước ngày càng được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng về mọi mặt

Công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước của Trung tâm được xem là nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm và được triển khai thực hiện tương đối sâu rộng và đồng bộ trong toàn Trung tâm, ngày càng được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng về mọi mặt.

DTTNN1

Điều tra và lập bản đồ địa chất thủy văn, bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1/200.000.

Đề án “Điều tra, đánh giá nguồn nước dưới đất khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ” đã phủ kín bản đồ địa chất thủy văn và bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1/200.000 các tỉnh khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ gồm: Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu, Yên Bái, Điện Biên, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Nghệ An, Thanh Hóa.

Hợp phần III Dự án “Điều tra, đánh giá, quy hoạch sử dụng đất, nước mặt tại các thủy vực ven biển; tiềm năng nước dưới đất vùng ven biển và các hải đảo”, thuộc “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên – môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020”: Hoàn thành toàn bộ diện tích vùng ven biển tỉnh Quảng Bình (gồm các huyện: Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Thành Phố Đồng Hới, Bố Trạch, Quảng Trạch) với tổng 5.495km2.

Dự án: “Biên hội – thành lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1/200.000 cho các tỉnh trên toàn quốc”: Hoàn thành toàn bộ diện tích chưa lập bản đồ địa chất thủy văn và bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1/200.000 trên 11.000km2.

Với kết quả 3 dự án nêu trên đã phủ kín diện tích lập bản đồ địa chất thủy văn, bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1/200.000 trên phạm vi toàn quốc.

Điều tra, lập bản đồ địa chất thủy văn, bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1/50.000 và 1/25.000.

Các đề án lập bản đồ địa chất thủy văn tỷ lệ 1/50.000 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận; Lao Bảo, Quảng Trị; Vị Thanh – Long Mỹ, thực hiện trên tổng diện tích 13.687 km2.

Các đề án, dự án điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất các vùng: Đức Hòa, Đức Phổ, Mèo Vạc, Neogen TP. Hà Nội, Lai Vung, Tây Nghệ An; các đảo: Thanh Lân, Trà Bản, tỉnh Quảng Ninh; Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; Hòn Tre, Hòn Chuối, tỉnh Kiên Giang; Vùng Thủ đô, 98 vùng điều tra chi tiết thuộc Đề án “Điều tra, đánh giá nguồn nước dưới đất khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ” và 10 vùng điều tra chi tiết Hợp phần III Dự án “Điều tra, đánh giá, quy hoạch sử dụng đất, nước mặt tại các thủy vực ven biển; tiềm năng nước dưới đất vùng ven biển và các hải đảo”, thuộc “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên – môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020”,  vơí tổng diện tích 22.544 km2.

Với kết quả các đề án, dự án nêu trên đã tích lập bản đồ địa chất thủy văn, bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1/50.000 trên 36.231 km2 (trong đó có 36.022 km2 thuộc đất liền và 209 km2 thuộc đảo).

Tìm thấy nước ở cao nguyên đá Đồng Văn – 1 trong 10 sự kiện nổi bật của ngành Tài nguyên và Môi trường năm 2012

Trung tâm đã thực hiện thành công Đề án “Điều tra, đánh giá chi tiết tài nguyên nước dưới đất khu vực thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang”, ngày 28/02/2014 đã bàn giao Trạm cấp nước sạch công suất 850m3/ngày đêm cho thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Trong đó, Trung tâm đã phát hiện mỏ nước ngầm với lưu lượng khoảng 1.500m3/ngày đêm tại thị trấn Mèo Vạc thuộc khu vực cao nguyên đá Đồng Văn ở độ cao 1000 – 1500m so với mực nước biển, đáp ứng nhu cầu về nước cho gần 250 nghìn người dân tại 4 huyện vùng cao, đó là bước đột phá trong tìm kiếm nguồn nước trên cao nguyên đá Đồng Văn và trở thành một trong 10 sự kiện nổi bật của ngành Tài nguyên và Môi trường trong năm 2012. Những kết quả mà Trung tâm đã đạt được trong hành trình đem nguồn nước đến với đồng bào vùng cao nói riêng, toàn tỉnh Hà Giang nói chung đã mang lại sự khởi sắc, một sức sống mới cho vùng cao nguyên đá, góp phần ổn định dân sinh, giúp đồng bào yên tâm bám đất, bám cao nguyên và bảo vệ toàn vẹn vùng biên cương của tổ quốc.

Trung tâm chủ trì thực hiện Dự án số 1 “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước” thuộc Chương trình “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước” thực hiện trên phạm vi 426 vùng núi cao, vùng khan hiếm nước với tổng diện tích 4.944 km2 thuộc 41 tỉnh.

Chương trình “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước” là một chương trình toàn diện, tổng thể, đồng thời góp phần thu hẹp khoảng cách vùng, miền và nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo quốc phòng, an ninh và giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia.

Trong đó việc thực hiện thành công Dự án số 1 “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở vùng núi cao, vùng khan hiếm nước” sẽ có vai trò quyết định đến thành công của toàn bộ Chương trình. Dự án được thực hiện sẽ mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực về quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, đáp ứng về mặt kinh tế cho nhân dân định cư, cũng như các lực lượng an ninh – quốc phòng đóng tại các vùng cao, vùng biên giới.

Đồng thời, kết quả của dự án sẽ mang lại giá trị to lớn đối với người dân, làm giảm bớt những khó khăn cho cuộc sống vốn đã thiếu thốn, vất vả của người dân ở các vùng cao, vùng khan hiếm nước; góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015 – 2020.

Kết quả thực Dự án trong năm 2016 và 2017 đã hoàn thành 50 vùng trong tổng số 426 vùng theo Dự án đã phê duyệt, có thể xây dựng 49 trạm cấp nước có công suất từ 120 – 1.823m3/ngđ, với tổng 43.233m3/ngđ, nguồn nước đủ đáp ứng nhu cầu cấp nước sinh hoạt cho 720.530 người. với mức 60l/ngày.nguời.

Nam Bộ thực hiện tại 18 vùng thuộc các tỉnh: Tây Ninh (2 vùng), Trà Vinh (4 vùng), Sóc Trăng (1 vùng), Bạc Liêu (8 vùng) và Cà Mau (3 vùng), Kết quả 20 lỗ khoan đã thi công có thể xây dựng 18 trạm cấp nước tập trung với công suất từ 642 – 1.823m3/ngđ, với tổng lưu lượng 23.492 m3/ngày, nguồn nước đủ đáp ứng nhu cầu cấp nước sinh hoạt cho 391.530 người.

Tây Nguyên thực hiện tại 21 vùng thuộc các tỉnh: Kon Tum (6 vùng), Gia Lai (6 vùng), Đăk Lăk (3 vùng) và Đăk Nông (6 vùng). Kết quả 51 lỗ khoan đã thi công có thể xây dựng 22 trạm cấp nước tập trung với công suất từ 160 – 1.054m3/ngđ, với tổng lưu lượng 11,103 m3/ngày, đủ để cấp nước sinh hoạt cho 185.050 người. 

Nam Trung Bộ thực hiện tại 3 vùng tỉnh Khánh Hòa. Kết quả 9 lỗ khoan đã thi công có thể xây dựng 3 trạm cấp nước tập trung với công suất từ 520 đến 659 m3/ngđ, với tổng lưu lượng 1.798 m3/ngđ, đủ cấp nước sinh hoạt cho 29.960 người.

Bắc Trung Bộ thực hiện tại 3 vùng thuộc các tỉnh: Quảng Tri (1 vùng) và Quảng Bình (2 vùng). Kết quả 8 lỗ khoan đã thi công có thể xây dựng 3 trạm cấp nước tập trung với công suất từ 210 đến 2.610 m3/ngđ, với tổng lưu lượng 3.800 m3/ngđ, đủ cấp nước sinh hoạt cho 63.330 người.

Miền núi phía Bắc thực hiện tại 5 vùng thuộc tỉnh Cao Bằng. Kết quả 11 lỗ khoan đã thi công có thể xây dựng 5 trạm cấp nước tập trung với công suất từ 270 đến 990 m3/ngđ, với tổng lưu lượng 3.040 m3/ngđ, đủ cấp nước sinh hoạt cho 50.660 người.

(VPTT)