Bản đồ nước dưới đất

Xác định rõ trữ lượng, chất lượng, giá trị sử dụng của tầng nước dưới đất sẽ dễ dàng cho quản lý, nghiên cứu và khai thác sử dụng.

Ở Việt Nam hiện chưa có bản đồ tài nguyên nước dưới đất mà mới chỉ có bản đồ địa chất thủy văn và được xây dựng từ những năm 1950, 1960, với những thông tin cơ bản nhất về tầng nước ngầm.

Thời kỳ đầu, bản đồ địa chất thủy văn chỉ thể hiện độ tổng khoáng hóa và các ion trong nước. Sau khi Hội Địa chất thủy văn quốc tế được thành lập, bản đồ địa chất thủy văn có các thông tin chủ yếu thể hiện ranh giới mặn nhạt và các ion trong nước.

TS. Nguyễn Văn Đản, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường nước cho rằng, ưu điểm của bản đồ địa chất thủy văn là chú trọng đến quy luật tồn tại nước dưới đất trong đó thể hiện rõ đặc điểm, trữ lượng nước.

Với loại bản đồ này dễ dàng sử dụng cho nhà quản lý nhưng lại khó sử dụng để phân tích cho các nhà chuyên môn cũng như công chúng.

Yêu cầu có một loại bản đồ về nước dưới đất cụ thể được đặt ra. Năm 2008, Bộ TN&MT ban hành các quy định về điều tra nước dưới đất. Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước đã đề xuất xây dựng và triển khai đề tài nghiên cứu khoa học bản đồ nước dưới đất tỷ lệ 1/50.000, 1/100.000 và 1/200.000 phục vụ công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước.

Theo nhận định của các nhà chuyên môn, việc có bản đồ nước dưới đất trong thời điểm hiện nay sẽ giúp ích cho nhà quản lý và giới chuyên môn khi có nhu cầu đánh giá trữ lượng nước của khu vực cụ thể. Đồng thời có thể sử dụng các thông tin này để nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ tầng nước ngầm.

TS. Nguyễn Văn Đản cho rằng, nên thành lập bản đồ định hướng khai thác và sử dụng tài nguyên nước dưới đất trong đó thể hiện rõ thông tin về chất lượng và trữ lượng nước có thể khai thác….

Theo bà Trần Thị Huệ (Cục Quản lý Tài nguyên nước), nội dung thể hiện trên bản đồ nước dưới đất phải mang thông tin điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất. Nếu bản đồ địa chất thủy văn thiên về các thông tin về tiềm năng nước dưới đất, thì bản đồ nước dưới đất nêu được chi tiết về trữ lượng, chất lượng nước từng khu vực đi cùng với dự kiến khả năng khai thác.

Hai loại bản đồ địa chất thủy văn và nước dưới đất cần song song tồn tại, bổ trợ nhau. Khi xây dựng bản đồ nước dưới đất cần chọn lọc thông tin tránh trùng lặp với bản đồ địa chất thủy văn, thể hiện đúng mục đích đánh giá tài nguyên nước.

Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước đang phối hợp với các chuyên gia có kinh nghiệm, hoàn thiện maket bản đồ trình lãnh đạo Bộ TN&MT.

 

“Trên thế giới đã có bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1/25.000.000 cho toàn lãnh thổ, tập trung vào lượng bổ cập để nhà hoạch định chiến lược toàn cầu nắm bắt được bức tranh tổng thể nhưng bản đồ này chưa đáp ứng được nhu cầu về khai thác sử dụng. Ngoài ra, một số quốc gia, vùng lãnh thổ có bản đồ riêng song chưa có một quy phạm chung, thống nhất trên toàn cầu”.

 (TS. Tống Ngọc Thanh, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc)

 

(Theo Monre.gov.vn)