Trung tâm QH&ĐTTNNQG thực hiện 06 đề tài KHCN cấp cơ sở mở mới năm 2017

da-mi-huynh-phuc-chauNgày 20/4/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 858/QĐ-BTNMT phê duyệt Danh mục đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp cơ sở thực hiện năm 2017. Theo đó, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia thực hiện 06 đề tài.

Đề tài “Nghiên cứu nội dung thể hiện và lập Maket bộ bản đồ Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông”

Đề tài “Nghiên cứu nội dung thể hiện và lập Maket bộ bản đồ Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông” do Thạc sỹ Nguyễn Đức Huy, Phó Trưởng ban Quy hoạch tài nguyên nước làm chủ nhiệm đề tài và thực hiện các nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, đề tài được thực hiện với 03 mục tiêu: Xác định được danh mục bộ bản đồ phân bổ nguồn nước, bảo vệ tài nguyên nước và các lớp thông tin cần thể hiện trên từng bản đồ; Xác định các lớp thông tin và cách thức thể hiện các lớp thông tin trên từng loại bản đồ; Áp dụng thử nghiệm cho bản đồ phân bổ nguồn nước và bảo vệ tài nguyên nước trong Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Bằng Giang – Kỳ Cùng.

Thứ hai, đề tài thực hiện 06 nội dung chính: Tổng quan tình hình nghiên cứu trên thế giới và trong nước về bản đồ quy hoạch tài nguyên nước; Nghiên cứu tổng hợp các lớp thông tin và xác định danh mục bản đồ phân bổ nguồn nước và bảo vệ tài nguyên nước; Nghiên cứu các nội dung phân bổ nguồn nước và bảo vệ tài nguyên nước để xác định các nội dung, kết quả cần thể hiện trên bản đồ; Nghiên cứu xây dựng Maket bộ bản đồ quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh; Áp dụng thí điểm Maket bộ bản đồ quy hoạch cho Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Bằng Giang – Kỳ Cùng; Xây dựng dự thảo quy định danh mục bộ bản đồ, các lớp thông tin và cách thức thể hiện các lớp thông tin trên bộ bản đồ phân bổ nguồn nước lưu vực sông liên tỉnh.

Đề tài “Nghiên cứu xây dựng công cụ mô phỏng các phương án phân bổ tài nguyên nước lưu vực sông”

Đề tài “Nghiên cứu xây dựng công cụ mô phỏng các phương án phân bổ tài nguyên nước lưu vực sông” Thạc sỹ Lê Mạnh Hùng, Ban Quy hoạch tài nguyên nước làm chủ nhiệm đề tài và thực hiện các nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, mục tiêu của đề tài là xây dựng được phần mềm trình diễn kết quả các phương án phân bổ nguồn nước trong quy hoạch tài nguyên nước.

Thứ hai, đề tài thực hiện 04 nội dung chính: Nghiên cứu tổng quan các công cụ phần mềm trình diễn kết quả liên quan đến quy hoạch tài nguyên nước ở trong và ngoài nước; Nghiên cứu xác định nội dung trình diễn kết quả phân bổ nguồn nước trong quy hoạch tài nguyên nước; Xây dựng phần mềm trình diễn kết quả các phương án phân bổ nguồn nước trong quy hoạch tài nguyên nước, áp dụng cho lưu vực song Bằng Giang – Kỳ Cùng; Xây dựng dự thảo hướng dẫn sử dụng phần mềm trình diễn kết quả các phương án phân bổ nguồn nước.

Đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình đánh giá, dự báo tài nguyên nước mặt theo thời đoạn”

Đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình đánh giá, dự báo tài nguyên nước mặt theo thời đoạn” do Thạc sỹ Phạm Thị Thu Hiền, Ban Điều tra cơ bản tài nguyên nước mặt làm chủ nhiệm đề tài và thực hiện các nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, mục tiêu của đề tài là xây dựng được quy trình đánh giá, dự báo tài nguyên nước mặt theo thời đoạn nhằm nâng cao chất lượng công tác cảnh báo, dự báo tài nguyên nước nói chung và nước mặt nói riêng.

Thứ hai, đề tài thực hiện 03 nội dung chính: Nghiên cứu tổng quan công tác xây dựng quy trình đánh giá, dự báo tài nguyên nước nói chung và tài nguyên nước mặt nói riêng ở Việt Nam và trên thế giới; Nghiên cứu xác định các yếu tố, thời đoạn, nội dung dự báo tài nguyên nước mặt phục vụ xây dựng quy trình dự báo; Nghiên cứu đề xuất quy trình đánh giá, dự báo tài nguyên nước mặt theo thời đoạn.

Đề tài “Nghiên cứu xây dựng công cụ mô phỏng kết quả dự báo tài nguyên nước dưới đất”

Đề tài “Nghiên cứu xây dựng công cụ mô phỏng kết quả dự báo tài nguyên nước dưới đất” do Thạc sỹ Đặng Trần Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Cảnh báo và Dự báo tài nguyên nước làm chủ nhiệm đề tài và thực hiện các nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, mục tiêu của đề tài là xây dựng được công cụ mô phỏng kết quả dự báo tài nguyên nước dưới đất.

Thứ hai, đề tài thực hiện 04 nội dung chính sau: Nghiên cứu tổng quan về các công cụ mô phỏng về kết quả dự báo tài nguyên nước trên thế giới và Việt Nam; Nghiên cứu xác định nội dung mô phỏng trong dự báo tài nguyên nước dưới đất; Xây dựng bộ công cụ mô phỏng, áp dụng mô phỏng kết quả dự báo nước dưới đất vùng Nam Bộ; Xây dựng dự thảo hướng dẫn sử dụng bộ công cụ mô phỏng.

Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công cụ tự động chỉnh lý các thông số cho mô hình dòng chảy nước dưới đất”

Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công cụ tự động chỉnh lý các thông số cho mô hình dòng chảy nước dưới đất” Thạc sỹ Lê Văn Kiên, Trung tâm Chất lượng và Bảo vệ tài nguyên nước làm chủ nhiệm đề tài và thực hiện các nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, mục tiêu của đề tài là ứng dụng được công cụ hỗ trợ chỉnh lý thông số (hệ số thấm, hệ số nhả nước) cho mô hình dòng chảy nước dưới đất khu vực TP. Hà Nội.

Thứ hai, đề tài thực hiện 03 nội dung chính: Nghiên cứu tổng quan về các công cụ hỗ trợ chỉnh lý các thông số cho mô hình dòng chảy nước dưới đất trên thế giới và Việt Nam; Nghiên cứu cơ sở lý thuyết trong việc chỉnh lý các thông số cho mô hình dòng chảy nước dưới đất đối với các điểm và vùng nghiên cứu; Ứng dụng công cụ hỗ trợ chỉnh lý các thông số (hệ số thấm và hệ số nhả nước) cho mô hình dòng chảy nước dưới đất vùng Hà Nội.

Đề tài “Nghiên cứu xác định tiêu chí, chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ sự nghiệp công cung cấp các thông tin dự báo, cảnh báo tài nguyên nước, môi trường và tai biến địa chất”

Đề tài “Nghiên cứu xác định tiêu chí, chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ sự nghiệp công cung cấp các thông tin dự báo, cảnh báo tài nguyên nước, môi trường và tai biến địa chất” do Thạc sỹ Nguyễn Văn Hiếu làm chủ nhiệm đề tài và thực hiện các nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, mục tiêu của đề tài là đề xuất được tiêu chí, chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ sự nghiệp công trong cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo tài nguyên nước, môi trường và tai biến địa chất.

Thứ hai, đề tài thực hiện 05 nội dung chính: Nghiên cứu tổng quan về dịch vụ sự nghiệp công, chất lượng dịch vụ sự nghiệp công; Nghiên cứu tổng quan về loại hình bản tin cảnh báo, dự báo tài nguyên nước, môi trường và tai biến địa chất; Nghiên cứu, xác định người đặt hàng, người sử dụng dịch vụ (khách hàng), nhà cung cấp dịch vụ và mong muốn về chất lượng dịch vụ sự nghiệp công cung cấp tin cảnh báo, dự báo tài nguyên nước, môi trường và tai biến địa chất của người đặt hàng, khách hàng; Nghiên cứu, đề xuất bộ tiêu chí, chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ sự nghiệp công tin cảnh báo, dự báo tài nguyên nước, môi trường và tai biến địa chất; Nghiên cứu, đề xuất phương pháp đánh giá chất lượng dịch vụ sự nghiệp công cung cấp tin cảnh báo, dự báo tài nguyên nước, môi trường và tai biến địa chất.

(Hồng Nhung – NAWAPI)