Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng nguyên lý dòng chảy phụ thuộc tỷ trọng của nước và mô hình SeaWat để đánh giá và dự báo quá trình nhiễm mặn các tầng chứa nước ven biển. Áp dụng thử nghiệm tại tỉnh Sóc Trăng”

Seawat2015

Sóc trăng là tỉnh ven biển nằm ở phía Nam cửa sông Hậu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Với địa hình thấp, bị phân cắt nhiều bởi hệ thống các sông rạch và kênh mương thủy lợi, lại tiếp giáp với biển cho nên dễ bị nước biển xâm nhập (nhiễm mặn), nhất là vào mùa khô. Tình hình xâm nhập mặn trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp trong đó nhiễm mặn nước dưới đất là vấn đề gây ra nhiều khó khăn cho việc phát triển kinh tế – xã hội cũng như đảm bảo mức sống cho người dân trong tỉnh, do đó cần phải xây dựng mô hình để tính toán dự báo nguy cơ xâm nhập mặn đến các tầng chứa nước khai thác chính.

Thời gian qua, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã triển khai thực hiện Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng nguyên lý dòng chảy phụ thuộc tỷ trọng của nước và mô hình SeaWat để đánh giá và dự báo quá trình nhiễm mặn các tầng chứa nước ven biển. Áp dụng thử nghiệm tại tỉnh Sóc Trăng”.  Đề tài được triển khai thực hiện từ năm 2014 đến năm 2015. 

Dự án đã ứng dụng mô hình SEAWAT để tính toán dự báo nguy cơ xâm nhập mặn đến các tầng chứa nước khai thác chính của tỉnh Sóc Trăng dựa theo nhu cầu khai thác sử dụng nước đến 2030. Mô hình SEAWAT đầu tiên là sự kết hợp của MODFLOW và MT3D lại với nhau để mô phỏng mô hình dòng chảy có tỷ trọng thay đổi và được xuất bản đầu tiên bởi Guo và Bennett 1998. Sau đó mô hình SEAWAT được cải thiện, nâng cấp và được kiểm chứng bởi Langevin và Guo 1999, Guo và người khác 2001. Sau này mô hình SEAWAT được phát triển tiếp tục bằng sự kết hợp của MODFLOW và MT3DMS thành một chương trình để giải quyết các bài toán về dòng chảy với tỷ trọng của nước thay đổi và các bài toán về xâm nhập mặn hiện nay.

Trong đó, mục đích xây dựng mô hình của Dự án là đánh giá sự biến đổi mặn nhạt trong các tầng chứa nước lỗ hổng trầm tích Đệ Tứ, đặc biệt đối với các tầng chứa nước khai thác chính của tỉnh là tầng chứa nước Pleistocen trên – giữa (qp2-3) và tầng chứa nước Pleistocen dưới (qp1). Các tầng chứa nước Pleistocen qp2-3 và qp1 do đặc điểm chiều sâu phân bố lớn, không có quan hệ thủy lực với nước mặt và biển do đó nguy cơ xâm nhập mặn chủ yếu là xâm nhập mặn thẳng đứng từ các tầng chứa nước bên trên (qp3) và các tầng chứa nước bên dưới Neogen (n) do quá trình khai thác nước dưới đất gây ra.

(Hồng Nhung – VP NAWAPI
Nguồn: Chủ nhiệm Đề tài)