Giải quyết bài toán xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong hai thập kỷ trở lại đây, khi mà sự biến đổi của điều kiện tự nhiên cũng như tác động của con người đến môi trường tự nhiên được các nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm chú ý thì con người mới thực sự nhận thức được những nguy cơ mà họ đang phải đối mặt trước những biến đổi của điều kiện tự nhiên, trong đó phải kể đến các hiện tượng cực đoan như Elnino, xâm lấn nước biển, bão từ…

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì Elnino làm cho nhiệt độ trái đất tăng dần theo từng năm, nắng nóng kéo dài cùng với nền nhiệt cao là nguyên nhân chính gây nên tình trạng thiếu hụt nguồn nước, đặc biệt là tại khu vực đồng bằng các dòng sông, chính tình trạng thiếu hụt nước làm cho nguy cơ xâm nhập mặn nước dưới đất tại các khu vực này tăng lên đáng kể, ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động nuôi trồng và sinh hoạt của người dân.

Đồng bằng sông Cửu Long là đồng bằng lớn nhất của Việt Nam với diện tích lên tới 39.734 km2, nó được hình thành qua quá trình bồi đắp trầm tích phù sa sau những lần hạ thấp mực nước biển. Do vậy, đây là vùng đất rất phù hợp với việc canh tác nông nghiệp, đặc biệt là các loại cây hoa màu.

Trong 3 năm kể từ năm 2014, hiện tượng hạn hán kéo dài làm cho tình trạng xâm nhập mặn tại ĐBSCL ngày càng trầm trọng, độ mặn lớn nhất đo được năm 2016 tại các khu vực nằm trong phần diện tích của ĐBSCL dao động từ 14,6 đến 32,8 g/lít, cao hơn mức trung bình từ 4-5 g/lít. Có thể nói đây là con số đáng báo động cho tình trạng xâm nhập mặn tại khu vực này. Do vậy, nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Hoàng Văn Hoan chủ nhiệm đã bắt tay thực hiện đề tài: “Nghiên cứu các yếu tố quyết định đến quá trình xâm nhập mặn nước dưới đất Đồng bằng sông Cửu Long” nhằm tìm ra nguyên nhân, con đường dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn ngày càng trầm trọng tại ĐBSCL để từ đó đưa ra những giải pháp xử lý kịp thời trước khi hiện tượng này ảnh hưởng quá lớn tới đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất nông nghiệp của người dân trong khu vực.

Bằng nhận định: Nguyên nhân gây nên xâm nhập mặn nước dưới đất ở mỗi khu vực khác nhau có thể khác nhau, phụ thuộc vào điều kiện địa chất, địa chất thủy văn, cũng như lịch sử tiến hóa địa chất của từng khu vực. Do vậy, các công trình nghiên cứu đều sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để xác định cơ chế xâm nhập mặn nước dưới đất, dịch chuyển vật chất trong các tầng chứa nước… Nhóm nghiên cứu đã tổng hợp được 4 phương pháp chính thường được sử dụng trong các công trình khoa học nghiên cứu về nguyên nhân gây nên hiện tượng xâm nhập mặn bao gồm: Nhóm phương pháp thủy địa hóa/thủy động lực; Nhóm phương pháp đồng vị;Nhóm phương pháp địa vật lý;Nhóm phương pháp mô hình số.

Để thực hiện đề tài, nhóm tác giả sẽ đi sâu nghiên cứu những nội dung sau:

+ Nội dung 1: Tổng quan các kết quả nghiên cứu xâm nhập mặn và xác định các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình xâm nhập mặn nước dưới đất trên thế giới và Việt Nam;

+ Nội dung 2: Nghiên cứu phân tích các đặc điểm tự nhiên, địa chất, địa chất thuỷ văn, hiện trạng nhiễm mặn các tầng chứa nước và các vấn đề liên quan đến xâm nhập mặn nước nước đất vùng đồng bằng sông Cửu Long;

+ Nội dung 3: Nghiên cứu phân tích, đánh giá xác định các yếu tố quyết định đến quá trình xâm nhập mặn nước dưới đất vùng đồng bằng sông Cửu Long;

+ Nội dung 4: Nghiên cứu, phân tích, lựa chọn các yếu tố quyết định đến quá trình xâm nhập mặn nước dưới đất vùng bán đảo Cà Mau;

+ Nội dung 5: Nghiên cứu lựa chọn và đề xuất các yếu tố quyết định đến quá trình xâm nhập mặn nước dưới đất và giải pháp khai thác hạn chế xâm nhập mặn nước dưới đất vùng đồng bằng Sông Cửu Long.

Nhóm nghiên cứu dự kiến sẽ thực hiện các nội dung trên trong khoảng thời gian từ 6/2017 đến tháng 5/2019. Đây được đánh giá là đề tài có tính thời sự và tính thực tiễn cao. Sau khi hoàn thành, hy vọng đề tài sẽ làm sáng tỏ được các nguyên nhân chính gây nên hiện tượng xâm nhập mặn tại ĐBSCL, đồng thời là cơ sở giúp các nhà quản lý trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, đặc biệt là tài nguyên nước đưa ra được những giải pháp kịp thời và hiệu quả nhằm giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng xâm nhập mặn tại ĐBSCL nói riêng và tại các khu vực chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn nói chung.

(Nhâm Nguyễn)