Bổ sung nhân tạo cho các tầng chứa nước – Giải pháp cho tương lai

Công nghệ tích trữ nước ngọt trong các tầng chứa nước là một trong nhiều công nghệ được quảng bá như một giải pháp cho thiếu hụt nước trong thế kỷ 21 khi mà các tác động của biến đổi khí hậu – nước biển dâng đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu.

Tại Việt Nam, đã có một số công trình nghiên cứu về việc lưu giữ nước mưa và lòng đất. Từ những đánh giá tài nguyên nước và phân bố nước theo không gian, thời gian trong năm và kết quả phân tích điều kiện kinh tế, tự nhiên tại một số nơi, các nghiên cứu đã kiến nghị những giải pháp hồ chứa trên mặt đất, thu gom nước mưa, nước mặt và lưu giữ trong lòng đất, bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất phục vụ điều phối nguồn nước mùa mưa dư thừa vào mùa khô khan hiếm nước để khai thác sử dụng.

DL21

Nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới, vùng đồng bằng có những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế. Nơi đây thường tập trung dân cư và phát triển nhiều loại hình kinh tế. Ở nước ta, vùng Đồng bằng sông Hồng đang được xem là vùng quan trọng tiềm ẩn nhiều triển vọng phát triển các ngành kinh tế tiến tới xây dựng nền kinh tế biển vững mạnh. Chính vì các lý do trên mà nhu cầu về nước cho dân sinh và cho phát triển kinh tế rất lớn. Song thực tế lại đang tồn tại trữ lượng nước nhạt vùng Đồng bằng sông Hồng lại đang có nguy cơ giảm sút do sự xâm nhập mặn. Nhiều nước trên thế giới đã phải nghiên cứu công nghệ điều chế nước biển thành nước nhạt để ăn uống mặc dù giá thành quá cao.

Nắm bắt được tình hình trên, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã chủ trì đề tài cấp Bộ với mã số TNMT.2017.02.04 “Nghiên cứu đề xuất quy trình công nghệ tích nước ngọt trong các tầng chứa nước mặn vùng đồng bằng sông Hồng. Thử nghiệm ở tỉnh Hưng Yên”. Đề tài sẽ nghiên cứu tổng quan công nghệ lưu trữ nước ngọt trong các tầng chứa nước mặn trên thế giới để lựa chọn mô hình công nghệ thích hợp nhất với Việt Nam. Nghiên cứu xác định đặc điểm địa chất, địa chất thủy văn nhằm xác định các khu vực có khả năng lưu trữ nước ngọt trong tầng chứa nước mặn ở vùng đồng bằng sông Hồng. Từ đó xây dựng mô hình thí điểm công nghệ lưu trữ nước ngọt trong tầng nước mặn và đưa ra bộ tiêu chí cho việc lưu trữ nước ngọt trong tầng chứa nước mặn. Kết quả của những nghiên cứu trong đề tài sẽ là những thông tin hữu ích cho nhiều địa phương đang phải hứng chịu các tác động tiêu cực của hiện tượng biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay./.

(Mai Phú Lực)