Xử lý nước thải chăn nuôi bằng cây dầu mè

tt53Có cách nào thân thiện với môi trường, ít tốt kém, dễ thực hiện để xử lý nước thải chăn nuôi?
Câu hỏi ấy là một thử thách đối với Nguyễn Hà Phương Ngân – sinh viên Khoa Môi trường và Công nghệ sinh học ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM. Và cuối cùng cô đã tìm được câu trả lời với đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu xử lý nước thải chăn nuôi bằng cây dầu mè (Jatropha curcas L.) trên mô hình bãi lọc thực vật”.
Mẫu nước thải chăn nuôi đầu vào được Ngân lấy từ một hộ gia đình chăn nuôi bò sữa ở xã Đông Thạnh, Hóc Môn, TP.HCM. Còn tìm cây dầu mè có phần khó khăn hơn.
Ngân nói: “TP.HCM cũng có cây này nhưng thường là cây lớn. Lúc đầu mình lấy hạt trồng nhưng do không biết cách chăm sóc nên số cây thu được không đủ thí nghiệm. Cuối cùng mình đón xe đêm đi Ninh Thuận để xin cây”.
“Quả ngọt” Ngân gặt được sau 30 ngày thí nghiệm, tốc độ phát triển của cây chính là cây cao gần gấp rưỡi chiều cao ban đầu, chứng tỏ cây có khả năng chịu đựng và thích nghi cao với nồng độ nước thải chăn nuôi, tốc độ phát triển của lá tăng 50% so với số lá ban đầu, khả năng tích lũy đạm trong cây cao đạt 39% lượng đạm đầu vào.
Trong đó, hàm lượng đạm tích lũy trong rễ 25%, thân 64%, lá 11%. Lượng đạm tích lũy trong đất cũng khoảng 39%, còn lại được vi sinh vật chuyển thành N2 thoát hơi…
Đây là giải pháp “nhất cử lưỡng tiện” khi vừa bảo vệ môi trường và hạt cây dầu mè là nguyên liệu sản xuất dầu sinh học (biodiesel – loại dầu sạch, thân thiện với môi trường) có giá trị kinh tế cao.
(Theo Monre.gov.vn)