Xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước

 csdl-Haiphong(TN&MT) Ngày 1/12, tại Hải Phòng, Cục Quản lý tài nguyên nước đã phối hợp với Cơ quan Hợp tác kỹ thuật Bỉ tổ chức Hội thảo “Xây dựng cơ sở dữ liệu Tài nguyên nước”. Đây là Hội thảo nằm trong khuôn khổ thực hiện Dự án “Nâng cao năng lực đánh giá tài nguyên nước Việt Nam” được triển khai tại 7 tỉnh là Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Thái Bình, Phú Yên, Khánh Hóa và Bình Thuận, bắt đầu từ tháng 11/2008. Thứ trưởng Bộ TN&MT  Nguyễn Thái Lai chủ trì hội thảo.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai cho biết: Cơ sở dữ liệu (CSDL) TNN là sản phẩm quan trọng của Dự án “Nâng cao năng lực đánh giá tài nguyên nước Việt Nam”. Vì thế chúng ta phải xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu TNN có tính kết nối giữa Trung ương và địa phương, không chỉ trong lĩnh vực TNMT mà kết nối với cả các Bộ, ngành khác.

Hiện nay, một số cơ sở tư nhân đã đứng ra xây dựng nhà máy thủy điện, nhà máy nước. Vì thế số liệu TNN cần được thương mại hóa, có thu phí đối với người khai thác dữ liệu TNN phục vụ cho mục đích kinh doanh.

Thứ trưởng đề nghị, trong thời gian tới, Cục Quản lý TNN là đơn vị chủ trì làm việc với các chuyên gia, lấy ý kiến của các đơn vị trong và ngoài ngành xây dựng và sớm ban hành bộ khung về CSDL TNN.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã tập trung vào việc đánh giá tầm quan trọng của CSDL và hệ thống liên kết với CSDL. Đồng thời giới thiệu mẫu CSDL, công cụ sử dụng CSDL, mục đích hướng tới xây dựng CSDL tương lai của dự án, CSDL phát triển trên nền web và truy cập được trên web; giới thiệu phần mềm quản lý CSDL TNN (HYDSTRA); giới thiệu chung về các thông tin và hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong công tác quản lý TNN.

Giáo sư Bùi Đình Hiếu, Trường ĐH Thủy Lợi cho rằng, để quản lý và giám sát tài nguyên nước cần phải có cơ sở dữ liệu TNN và hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu đó. Ông Hiếu cũng cho rằng, cần phải thu phí đối với một số đối tượng cụ thể sử dụng dữ liệu TNN.

Để CSDL có hiệu quả, đại diện Cục Công nghệ thông tin cho rằng, cần xác định mối quan hệ của CSDL theo chiều dọc (Bộ TN&MT – Cục Quản lý TNN – Sở TN&MT – Phòng TN&MT) và chiều ngang (sử dụng dữ liệu TNN cho môi trường, hay việc điều tra TNN tốt phục vụ cho nền thông tin địa lý…)

Nhưng trước hết, để xây dựng được CSDL TNN cần xác định rõ các tiêu chí: Tính chuẩn hóa, cơ chế chia sẻ (liên quan đến việc phân cấp và sử dụng) và cơ chế đánh giá, đại diện trường ĐH Thủy Lợi đề xuất.

Kết luận Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý TNN Lê Hữu Thuần đề nghị, các chuyên gia cần phối hợp các đơn vị nhanh chóng xây dựng CSDL TNN từ năm đầu triển khai Dự án, thực hiện nhiệm vụ của Bộ TN&MT, Chính phủ giao. Hiện nay, các dữ liệu TNN liên quan đều đang được cập nhật để phục vụ công tác quản lý Nhà nước về TNN. “CSDL là sản phẩm quan trọng để chia sẻ dữ liệu thông tin quản lý TNN. Vì thế, việc thiết kế CSDL phải đảm bảo tính hiện đại, tiếp cận công nghệ tiên tiến trên thế giới đồng thời đảm bảo kết nối với CSDL hiện có”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý TNN Lê Hữu Thuần nói.

 

 

(Theo TH – Monre)