Bảo tồn vùng đất ngập nước
“Dự án xuất phát từ Sáng kiến hạ lưu sông Mekong của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton, còn gọi là sáng kiến giúp các nước vùng lưu vực sông Mekong về môi trường, y tế và giáo dục. Các nhà khoa học Mỹ liên quan đến chương trình này nói với tôi có thể tìm kinh phí để nghiên cứu về ô nhiễm trên sông.
Tôi nghĩ nếu nghiên cứu trên sông thì Ủy ban sông Mekong đã làm khá nhiều, sẽ có nhiều khả năng giẫm chân hoặc lặp lại những việc họ đã làm. Nên tôi đề nghị nghiên cứu các vùng đất ngập nước dọc sông, điều từ trước đến nay ít người quan tâm. Các chất ô nhiễm trong nước chỉ là tạm thời, còn trong môi trường đầm lầy sẽ cho ta thấy một hình ảnh của tích lũy ô nhiễm lâu dài” – TS Triết kể. Sáng kiến này của ông được phía Mỹ tán đồng và duyệt rất nhanh trong vòng hai tháng, thay vì với các dự án khác tối thiểu phải mất một năm.
Vào trung tuần tháng 12-2010, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ, Hội Sếu quốc tế phối hợp với Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM đã tổ chức triển khai giai đoạn 1 dự án Mekong POPs. Hội thảo nhằm tập huấn phương pháp lấy mẫu, 36 chuyên gia của các nước cùng đi thực địa tại vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) lấy mẫu bùn về phòng thí nghiệm phân tích xem các thuốc trừ sâu, trừ cỏ và các chất khác tích tụ ra sao.
Dự án sẽ chọn một trong ba phòng thí nghiệm đạt chuẩn tại TP.HCM để thực hiện các phân tích này. Nghiên cứu nhằm vẽ được bức tranh ô nhiễm tại các đầm lầy trong toàn bộ lưu vực. Giai đoạn 2 sẽ nghiên cứu sâu về quá trình vận động của các chất này trong hệ sinh thái theo chuỗi thực phẩm cho đến cơ thể con người.
Ý tưởng của dự án bắt nguồn từ những năm 1996-1997. Khi đi thu thập số liệu để làm luận án tiến sĩ, TS Trần Triết phát hiện một khu vực đất ngập nước khá rộng ở vùng biên giới Việt Nam – Campuchia thuộc tỉnh Kiên Giang còn trong tình trạng tự nhiên rất tốt, nên đã đề nghị tỉnh lập khu bảo tồn khoảng 20.000ha. Lúc đó địa phương cũng gặp khó khăn trong gia tăng diện tích trồng lúa, cây lương thực nên không tán đồng. Không bỏ cuộc, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ từ Mỹ về, hằng năm ông vẫn tiếp tục lặn lội lui tới khu vực này để khảo sát nơi sinh sống của sếu đầu đỏ.
Năm 2004, ông tham gia cuộc thi Sáng kiến bảo tồn thiên nhiên hằng năm của Ngân hàng Thế giới với dự án bảo tồn đồng cỏ bàng Phú Mỹ thuộc huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Và ông đoạt giải! Đó là một trong 40 dự án đoạt giải trong số hơn 3.000 sáng kiến dự thi. Tiền thưởng 200.000 USD được dùng để triển khai bảo tồn 2.000ha.
Ông nói: “Dù diện tích chỉ bằng 1/10 so với đề xuất của tôi 10 năm trước, nhưng cũng còn được “chút xíu” để bảo tồn chốn nương thân cho sếu đầu đỏ”. Cùng tham gia dự án này còn có cử nhân Tăng Phương Giản – sau một thời gian làm việc đã nhận học bổng giai đoạn 1 tại Học viện Công nghệ châu Á – Thái Lan và hiện đang trong giai đoạn 2 thực tập tại Mỹ. Khi Tăng Phương Giản đi học, anh Hà Trí Cao lên quản lý thay. Cả hai đều là những sinh viên giỏi của Trường đại học Khoa học tự nhiên.
Ông Trần Triết phân tích: “Dự án bảo tồn đồng cỏ bàng Phú Mỹ là mô hình khu bảo tồn kiểu mới. Nếu như trước đây Nhà nước lập khu bảo tồn thiên nhiên rồi thì người dân không được khai thác gì trên đó. Còn với dự án này, chúng tôi đề nghị người dân được quyền khai thác ở một hình thức tổ chức sao cho không hại tới môi trường.
Khai thác cỏ bàng để làm ra sản phẩm bán tại chỗ thì lợi nhuận không được bao nhiêu, chúng tôi tổ chức tập huấn làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu ra nước ngoài, thu nhập tăng gấp ba lần so với trước. Như vậy vừa nâng cao đời sống người dân địa phương, đồng thời tuyên truyền ý thức bảo tồn để họ đừng phá môi trường nên sếu đầu đỏ về rất nhiều”.
Kết quả triển khai đã chứng tỏ sự đúng đắn của mô hình bảo tồn dựa vào cộng đồng, dự án đoạt thêm hai giải thưởng quốc tế (Dubai International Award và Equator Prize) và được Liên Hiệp Quốc chọn là dự án bảo tồn thiên nhiên tiêu biểu để tuyên truyền trong Năm quốc tế đa dạng sinh học 2010.
Để đàn sếu bay…
“Chúng ta đang sản xuất ra nhiều sản phẩm công nghiệp, nông phẩm để xuất khẩu nhưng lại dùng quá nhiều hóa chất độc hại, tàn phá môi trường thiên nhiên. Có lẽ vì vậy mà bệnh tật tăng vọt. Phí tổn về y tế, mất mát về nhân mạng là những tổn thất rất lớn. Người ta chỉ đo đếm con số tiền bạc rồi nghĩ là mình đang đi tới. Nhưng nếu tính đúng thì không phải vậy, có lẽ đang thụt lùi chứ không phải phát triển!” – TS Triết nói.
Ông Triết nói có người bảo bây giờ mình nghèo quá, cứ chặt phá rừng, hi sinh môi trường, sau này khi giàu lên, có tiền thì phục hồi. Họ nói có những nước ở châu Âu tàn phá rừng, sau này giàu lên quay lại trồng rừng cũng được chứ đâu có sao. Nhưng Việt Nam khác châu Âu do đặc điểm hệ sinh thái nhiệt đới, phá xong thì sau này có tiền cũng không phục hồi được. Lúc đó mới thấy tiếc là đã mất nhiều thứ mà lẽ ra có thể giữ được. “Nếu nói phải hi sinh môi trường để phát triển là không đúng.
Đó là lười suy nghĩ, không chịu khó tìm tòi. Tôi tin có những phương cách để phát triển mà không phải hi sinh môi trường. Đơn cử như Singapore chẳng hạn, họ phát triển mà vẫn giữ được môi trường trong lành. Đó mới thật sự là phát triển. Còn phát triển mà tàn phá môi trường thì thật ra là đi lùi. Dự án Phú Mỹ cũng là một ví dụ về kết hợp phát triển dân sinh và bảo tồn thiên nhiên” – ông nói.
Một số công bố gần đây cho thấy tình trạng ung thư ở Việt Nam đang tăng vọt. Có phải tự nhiên mà ung thư gia tăng? TS Triết cho rằng có thể có nhiều nguyên do, nhưng việc tiếp xúc với các chất độc hại trong môi trường là rất quan trọng. Đây cũng là bằng chứng cho thấy phát triển không khéo thì cái giá phải trả rất lớn. Nhìn những con số bao nhiêu người bệnh, bao nhiêu người chết, đôi khi ta thấy dửng dưng.
Nhưng nếu người bệnh, người chết đó là người thân hoặc chính bản thân mình mắc bệnh mới thấy thấm thía. Vì vậy cần có cái nhìn xa hơn về môi trường. Nghe báo cáo số lượng sếu ở Việt Nam giảm vài trăm con, có người bảo “ăn nhằm” gì. Nhưng phải thấy đằng sau đó là cảnh báo về môi trường đang thay đổi rất lớn, chứ không đơn giản là chuyện mất vài con chim…
TS Trần Triết cùng các cộng sự trẻ – những thế hệ thầy – trò khoa sinh học Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM đã và đang cùng tiếp nối cống hiến cả tri thức, trí tuệ, công sức để cứu lấy những vùng đất ngập nước cho chim, sếu; cứu lấy môi trường chỉ với hi vọng nhỏ nhoi: để níu kéo, giữ lại những khoảng trời xanh, một môi trường trong lành cho mai sau.
(Theo TTO)