Ngày 21/9, tại TP Cần Thơ, các nhà khoa học, chuyên gia thuộc trường đại học Cần Thơ, các trường đại học: Công nông Tokyo (Nhật Bản), Nông nghiệp Bogor (Indonesia), Naresuan (Thái Lan) đã chia sẻ thông tin khoa học liên quan tới đề tài nghiên cứu ứng dụng sinh khối xanh (Green Biomass) tự tạo năng lượng bền vững.
Báo cáo của các nhà khoa học đều đề cập đến vai trò tiềm năng của phân hữu cơ sinh học trong sản xuất nông nghiệp. Nguyên liệu sinh khối xanh hiện đang là nguồn năng lượng tái tạo bền vững và dồi dào nhất hiện nay trên thế giới. Sinh khối có thể được xử lý ở nhiều dạng chuyển đổi khác nhau để tạo ra năng lượng, nhiệt lượng, hơi và nhiên liệu góp phần thúc đẩy quá trình hiện đại hoá nông nghiệp và phát triển nông thôn tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.
Đây cũng là đề tài nghiên cứu được các chuyên gia Nhật Bản và các nước trong khu vực rất quan tâm. TS Tadashi Chosa, trường đại học Công nông Tokyo cho biết việc nghiên cứu hạ giá thành sản xuất lúa và tăng hiệu quả từ những nguồn nguyên liệu sẵn có trong nông thôn hứa hẹn lớn cho việc tạo ra năng lượng xanh. Các chuyên gia của trường đại học Cần Thơ cho rằng ĐBSCL là nơi cung cấp năng lượng và sử dụng phụ phẩm nông nghiệp dồi dào như rơm rạ, cây dầu mè, dừa sáp, mù u, bả mía, xơ bắp… để tổng hợp sinh khối có ích lợi lớn về mặt kinh tế và môi trường.
TS .Taiichiro Ookawa, trường đại học Công nông Tokyo – Nhật Bản, TS Iswandi Anas, trường đại học Bogor – Indonesia cũng đã chia sẻ thành công trong việc nghiên cứu phân hữu cơ sinh học trong canh tác lúa bền vững ở Nhật Bản và Indonesia, trong đó yếu tố hạ chi phí và tăng hiệu quả việc trồng lúa, nguồn cung cấp nguyên liệu làm năng lượng tái tạo dồi dào nhất.
Các kết quả nghiên cứu cho thấy nhiều triển vọng tốt đẹp trong chương trình hợp tác giữa trường đại học Cần Thơ và các trường đại học khu vực trong tương lai.
(Theo Vfej.vn)