Trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học đã cảnh báo các loài cá và động vật biển sẽ gặp nguy hiểm ở những vùng biển và đại dương thiếu ôxy trong những năm tới nếu như hiện tượng trái đất nóng lên không được kiểm soát chặt chẽ. Trong khi những nghiên cứu trước đây đã chỉ ra mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và những vùng thiếu oxy, hay còn gọi là “những vùng biển chết”, thì những nghiên cứu mới của các nhà khoa học Đan Mạch cho rằng “những vùng biển chết” có thể tồn tại hàng nghìn năm và dẫn đến sự tái kết cấu lại sự sống dưới lòng đại dương.
Các vùng biển chết hiện chiếm dưới 2% diện tích đại dương trên thế giới. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát được vấn đề nóng lên của trái đất thì đến năm 2100, con số này sẽ tăng lên 10% hoặc hơn thế nữa. Trong trường hợp xấu nhất, những vùng biển chết sẽ chiếm hơn 1/5 diện tích các đại dương trên toàn thế giới.
Làn sóng chết
Trong khi rất nhiều vùng biển chết hiện nay chỉ tạm thời trong một giai đoạn ngắn, thì những vùng biển bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng khí thải nhà kính chẳng hạn như khí CO2 có thể tồn tại hàng nghìn năm. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Đan Mạch, hiện tượng nóng lên của trái đất sẽ làm giảm khả năng dự trữ ôxy của đại dương, đồng thời làm giảm lượng ôxy có sẵn nằm dưới đáy sâu của các đại dương này.
Sự ấm lên của nước biển làm giảm lượng oxy hơn trước đây. Nếu như các đại dương bị thiêu nóng, sự tập trung của oxy sẽ giảm, Gary Shaffer thuộc trường Đại học Copenhagen cho hay. Hơn thế nữa, bắc cực và nam cực sẽ dần dần biến thành các đại dương mở, khiến nhiều loại động vật sẽ di cư đến trú ngụ. Hiện tượng này sẽ làm giảm hơn nữa lượng khí oxy tiềm ẩn sẵn bên trong đại dương, vì khi các sinh vật này chết đi, xác của chúng chìm sâu dưới bề mặt đáy biển và bị phân hủy bởi các vi khuẩn, các vi khuẩn này lại cần oxy để tồn tại. Nếu như quá trình sản xuất sinh học dưới đại dương này tăng lên thì lượng vi khuẩn cần oxy cũng sẽ tăng lên – Gary Shaffer khẳng định.
Viễn cảnh ngày tận thế
Với các thí nghiệm nghiên cứu các đại dương sẽ phản ứng lại thế nào trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Shaffer và các cộng sự của ông đã đưa ra những biện pháp mang tính hệ thống khi xem xét nhiều tác nhân xuất hiện cùng một lúc – Francis Chen, một nhà sinh thái học đại dương tại trường Đại học bang Oregon, người không tham gia và nghiên cứu trên nhận xét. Ông cũng khẳng định, những thí nghiệm này là công cụ quan trọng để xem xét tương lai sẽ quyết định số phận các đại dương như thế nào.
Paul Wignall, một giáo sư về môi trường tại trường đại học Leeds của Anh gọi những nghiên cứu mới này là “viễn cảnh ngày tận thế của đại dương”. Wignall cũng không tham gia vào dự án trên, nhưng ông đã nghiên cứu sự tuyệt chủng thuộc hệ Permian 250 triệu năm trước đây.