Chiều ngày 04-03-2018, trong khuôn khổ tuần lễ nước Việt Nam VACI2018, tại Trung tâm Hội nghị Almaz đã diễn ra Hội thảo khoa học “Thích ứng biến đổi khí hậu ở các lưu vực sông Châu Á”. Chủ trì Hội thảo có ông Sangam Shrestha của Viện Công nghệ Châu Á và ông Chusit Apirumanekul Viện Môi trường Châu Á Stockholm tại Thái Lan cùng các chuyên gia đến từ Thái Lan, Pakistan, Úc, Việt Nam với 10 vấn đề được trình bày và thảo luận.
Những thách thức do biến đổi khí hậu liên quan đến các hình thế cực đoan trên các lưu vực sông ngày càng rõ ràng và phổ biến. Điều này thường liên quan đến nước, liên quan đến các lĩnh vực kinh tế – xã hội và môi trường bao gồm nông nghiệp, công nghiệp, đa dạng sinh học, hàng hải, du lịch … Biến đổi khí hậu đang diễn ra và ảnh hưởng của nó có thể được nhìn thấy ở ngay hiện tại, tại nhiều nơi của Châu Á, những diễn biến khí hậu tiêu cực không ngừng gia tăng . Trên thực tế, một số khu vực có thể bị mưa lớn,lũ lụt trong khi một số khác có thể gặp mưa ít hơn và hạn hán. Do đó, thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu ngày càng có liên quan đến chương trình chính trị châu Á cũng như trên toàn cầu. Thích ứng với biến đổi khí hậu được định nghĩa là các sáng kiến và các biện pháp để giảm tính dễ tổn thương của hệ thống tự nhiên và con người chống lại các tác động thay đổi khí hậu thực tế hoặc dự kiến. Nói cách khác, là con người làm giảm những tác động bất lợi của khí hậu đến sức khoẻ, đời sống và sử dụng những cơ hội thuận lợi mà môi trường khí hậu mang lại.Tại Hội thảo, các vấn đề nghiên cứu nổi cộm được đưa ra là:
(a) Tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường nước: ví dụ từ các lưu vực sông Châu Á.
(b) Đánh giá rủi ro lũ lụt do tác động của biến đổi khí hậu ở lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, Việt Nam
(c) Thích ứng biến đổi khí hậu đối với sản xuất lúa gạo ở lưu vực sông Songkhram, Thái Lan
(d) Định lượng và so sánh ảnh hưởng của thay đổi khí hậu và sự khai thác nước ngầm đối với nguồn nước ngầm: Nghiên cứu điển hình ở tỉnh Hậu Giang, đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam
(e) Đánh giá và thích ứng biến đổi khí hậu bằng mô hình hóa lưu vực sông Chitral, Pakistan
(f) Kinh nghiệm của Úc trong việc quản lý tài nguyên nước và thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam
(g) Giải quyết sự không chắc chắn trong biến đổi khí hậu ở khu vực Mê Công bằng hệ thống thiết kế hỗ trợ đồng loạt và sáng tạo
(h) Quản lý nguồn nước ở đồng bằng sông Cửu Long: Phát triển, quản lý và khả năng phục hồi trong khu vực “bát cơm vàng” của Việt Nam
(i) Tăng cường khả năng chống biến đổi khí hậu trong phát triển cơ sở hạ tầng cho nguồn nước ở ĐBSCL – Cách tiếp cận toàn cầu
(j) Đánh giá tính dễ tổn thương do xâm nhập mặn của các lưu vực ven biển tỉnh Ninh Thuận trong bối cảnh biến đổi khí hậu
Hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia đến từ các nước về tác động của biến đổi khí hậu đến các lưu vực sông Châu Á, các biện pháp thích ứng với những thách thức và những cơ hội tiềm năng để thay đổi khí hậu. Cũng với đó là các chia sẻ của các chuyên gia trong nước với những nghiên cứu, đề tài của họ được đưa ra để thảo luận, các biện pháp áp dụng cho Việt Nam.