Phương pháp đánh giá trữ lượng trong điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất P3

3.2 . Phương pháp xác định trữ lượng tĩnh tự nhiên

1. Trữ lượng tĩnh trọng lực 

Trữ lượng tĩnh trọng lực là lượng nước trọng lực chứa trong các lỗ hổng, khe nứt của đất đá được xác định bằng công thức sau:

Vtn = m x F x Htb ( 12 )

Trong đó:

Vtn là trữ lượng tĩnh trọng lực, m3

F là diên tích của tầng chứa nước, m3

Htb là chiều dày trung bình của tầng chứa nước, m

m là hệ số nhả nước trọng lực

Xác định hệ số nhả nước trọng lực phải làm công tác thí nghiệm thấm, tuy nhiên trong một số trường hợp có thể xác định theo công thức thực nghiệm thông qua hệ số thấm hoặc tra theo thành phần đất đá được đề cập đến trong nhiều hướng dẫn chuyên môn

2.Trữ lượng tĩnh đàn hồi

Trữ lượng tĩnh đàn hồi chỉ có đối với các tầng chứa nước có áp, là lượng nước thoát ra được khi làm giảm áp lực của tầng chứa nước, được xác định bằng công thức (13):

Vtn* = m* x F x Htb ( 13 )

Trong đó:

– Vtn* là trữ lượng tĩnh đàn hồi, m3

m* là hệ số nhả nước đàn hồi

– F        là diện tích phân bố của tầng chứa nước, m2

– Htb là cột áp lực trung bình của tầng chứa nước, m

Xác định hệ số nhả nước đàn hồi phải làm các thí nghiệm thấm, trong một số trường hợp có thể xác định bằng cách so sánh với các vùng tương tự.

3.3. Phương pháp xác định trữ lượng cuốn theo và trữ lượng có thể khai thác  

Trữ lượng cuốn theo được xác định để đánh giá hoàn chỉnh trữ lượng khai thác tiềm năng, còn trữ lượng khai thác dự báo được sử dụng làm cơ sở thực hiện công tác thăm dò nước dưới đất.

Trữ lượng cuốn theo và trữ lượng có thể khai thác được xác định bằng phương pháp thủy động lực và phương pháp mô hình số. Phương pháp thủy động lực được tính toán theo các công thức thủy động lực được mô tả đầy đủ trong các văn liệu chuyên môn khi đã sơ đồ hóa được điều kiện địa chất thủy văn.

Phương pháp mô hình số là phương pháp hiện đại dựa trên kết quả mô hình hóa điều kiện địa chất thủy văn. Hiện nay trên thế giới, nhất là các nước tiên tiến áp dụng rộng rãi việc xây dựng mô hình nước dưới đất. Các Công ty chuyên ngành ở các nước phát triển như Mỹ, Canada, một số nước Châu Âu đã sản suất các phầm mềm thương mại để mô hình hóa nước dưới đất. Sau khi đã xây dựng được mô hình có thể giải các bài toán thuận khác nhau, trong đó có việc đánh giá xác định trữ lượng cuốn theo, trữ lượng khai thác dự báo theo các phương án khác nhau.

Đánh giá trữ lượng có thể khai thác là việc làm bắt buộc khi thực hiện thăm dò nước dưới đất.

4. Lời kết.

Yêu cầu và mức độ chi tiết của việc đánh giá trữ lượng phụ thuộc vào giai đoạn điều tra, đánh giá NDĐ. Điều tra, đánh giá với mức độ càng chi tiết thì xác định các thành phần của trữ lượng nước dưới đất càng phải đầy đủ. Các phương pháp đánh giá, xác định trữ lượng nước dưới đất được lựa chọn áp dụng hợp lý mới xác định được trữ lượng NDĐ đủ độ tin cậy làm cho các đồ tài nguyên nước dưới đất có ý nghĩa sử dụng.

DL13

Đánh giá trữ lượng nước dưới đất là việc làm cốt lõi của các công cuộc điều tra, đánh giá nước dưới đất. Người viết bài này hy vọng các bản đồ tài nguyên nước dưới đất được thành lập ngày càng có ý nghĩa, là các công cụ đắc lực, là các cẩm nang tốt cho công tác quản lý tài nguyên nước dưới đất./.

(PGS.TS. Nguyễn Văn Đản)