Phát huy tác dụng chữa bệnh của nước khoáng radon

Gần 10 năm trước, qua công tác thăm dò, Liên hiệp Khoa học sản xuất địa chất nước khoáng (thuộc Tổng hội Địa chất VN) đã phát hiện được một nguồn nước khoáng radon tại huyện Thanh Thủy (Phú Thọ). Đây là tin vui cho giới khoa học về nước khoáng và y học thủy trị liệu nước ta. Ý nghĩa khoa học cũng như thực tiễn của việc phát hiện này nhìn từ góc độ địa chất y học là vấn đề được các nhà khoa học thuộc Hội Địa chất thủy văn VN và Liên hiệp Khoa học sản xuất địa chất nước khoáng đề cập trong một Hội thảo khoa học mới đây.

Trong bảng phân loại nước khoáng VN đến cuối thế kỷ XX còn có một khoảng trống khiến các nhà địa chất thủy văn luôn băn khoăn, day dứt. Đó là sự thiếu vắng loại nước khoáng radon. Điều đó không có nghĩa cấu tạo địa chất thiếu những tiền đề cho sự thành tạo loại nước khoáng này mà chính là do chưa được đầu tư nghiên cứu đầy đủ.

Chính vì vậy, việc phát triển nguồn nước khoáng Thanh Thủy (Phú Thọ) là một đóng góp quan trọng vào sự phát triển nguồn tài nguyên nước khoáng ở nước ta. Về mặt khoa học, nó khẳng định sự có mặt nước khoáng radon, xóa đi một khoảng trống lâu nay trong bảng phân loại nước khoáng VN về loại nước khoáng này, mở đường cho sự tìm kiếm những nguồn nước khoáng radon trong điều kiện địa chất thủy văn tương tự, mà theo dự đoán có khả năng tồn tại ở nhiều nơi khác trên toàn quốc.

s10

Khoan thăm dò nước khoáng nóng tại Thanh Thủy

 

Về nguồn gốc và sự thành tạo mỏ nước khoáng radon Thanh Thủy, với mức độ nghiên cứu hiện tại chưa thể đưa ra một nhận định có cơ sở khoa học vững chắc, song theo quy luật chung có thể dự đoán nước khoáng được hình thành từ dưới sâu, trong điều kiện nhiệt độ và áp suất lớn, trong những thành tạo địa chất giàu khoáng vật phóng xạ. Sau đó, nước theo các đứt gãy kiến tạo đi lên, trong đó quan trọng nhất có lẽ là đứt gãy F2 chạy dọc đê sông Đà theo phương Tây Bắc – Đông Nam và đứt gãy F1 chạy theo phương Đông Bắc – Tây Nam cắt qua trung tâm mỏ. Chính nơi giao nhau giữa hai đứt gãy này là kênh dẫn nước khoáng từ dưới sâu đi lên, tiêm nhập vào các trầm tích phủ bên trên và tàng trữ trong các lỗ hổng của đất đá, hình thành nên một “mũ nấm” hình tam giác thấy rõ trên bản đồ. Trong quá trình khai thác mỏ, “mũ nấm” có thể thay đổi hình dạng và chất lượng, trữ lượng nước khoáng chứa trong đó cũng thay đổi theo nếu không có chế độ khai thác hợp lý và biện pháp bảo vệ chặt chẽ.

Về mặt thực tiễn, đây là loại nước khoáng có giá trị sử dụng vào mục đích y học rộng rãi và phục vụ sức khỏe cộng đồng. Vì vậy để phát huy thành quả đạt được, trong thời gian tới, các nhà khoa học mong các cơ quan quản lý và khoa học hữu trách quan tâm thúc đẩy điều tra một cách có hệ thống nguồn tài nguyên quý giá này về mặt địa chất cũng như y học và sớm đưa nó vào khai thác sử dụng, đồng thời với các loại nước khoáng vốn rất phong phú và đang được sử dụng có hiệu quả tại các trung tâm điều dưỡng – du lịch hiện có nhằm tạo cơ sở phát triển ngành y học thủy liệu pháp nước khoáng ở nước ta.

Riêng đối với nguồn nước khoáng radon Thanh Thủy, cần tiếp tục thăm dò chi tiết để đánh giá chính xác chất lượng, trữ lượng vùng mỏ. Trong thăm dò cần có những công trình khoan sâu đến tận đá gốc (trên 100m). Chú ý phân tích đầy đủ Rn và các yếu tố đặc hiệu khác. Đồng thời cần tiến hành việc nghiên cứu lâm sàng cẩn thận để tìm hiểu tác dụng chữa bệnh của nước khoáng radon nhằm định hướng sử dụng tối ưu nguồn nước. Cần sớm có sự can thiệp của các cơ quan quản lý tài nguyên khoáng sản và y tế cộng đồng cùng với chính quyền địa phương để sớm lập lại trật tự trong hoạt động dịch vụ tắm nước khoáng một cách tự phát hiện nay, tổ chức hướng dẫn khoa học để hoạt động này có hiệu quả, tránh những thiệt hại có thể xảy ra.

 

(Theo Bình Nguyên – Monre)