Những cảnh báo về khu vực dân cư sinh sống trên nền đất nhiễm phóng xạ tự nhiên là có trên thực tế. Liên Đoàn Địa chất – Xạ hiếm cũng đang bắt tay xây dựng bản đồ phông nhiễm xạ ở Việt Nam. Tuy nhiên, những lo lắng thái quá về ô nhiễm phóng xạ từ đồ dùng có nguồn gốc từ đất nhiễm xạ là không nên. Đây là ý kiến của các chuyên gia địa chất.
Phóng xạ tự nhiên vẫn tồn tại
Câu chuyện về gạch men nhiễm phóng xạ cách đây vài năm đã từng làm không ít người lo lắng. Sự liên tưởng về những đồ dùng như gạch, đĩa, bát, chum vại sành sứ được sản xuất từ đất của những vùng có nhiễm phóng xạ cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe? Về điều này, ông Nguyễn Văn Nam, Phó phòng Kỹ thuật, Liên đoàn Địa chất – Xạ hiếm, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết: Không nên mắc bệnh hoang tưởng về cái gọi là ô nhiễm phóng xạ. Cần biết rằng, môi trường xung quanh chúng ta chỗ nào cũng có phóng xạ, từ khoáng chất dưới đất hay tia vũ trụ trên trời. Đó là những nguồn xạ tự nhiên vốn đã được sinh ra từ khi hình thành trái đất. Điều quan trọng, nguồn phóng xạ này có nhiều hay ít, có vượt chuẩn hay không vượt chuẩn? Một điểm mà ông Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh: Đa số chúng ta đều khỏe mạnh, điều đó cho thấy, nguồn xạ này hầu như là “chung sống hòa bình” với con người.
Về những thắc mắc của người dân, ông Nguyễn Thành Vạn, Phó Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản cho rằng: Đó là những thắc mắc rất logic và dễ hiểu. Tuy nhiên, ông Vạn cho rằng, không nên quá lo lắng.
Giải thích kỹ hơn về những vùng đất có nguồn phóng xạ tự nhiên, ông Nguyễn Văn Nam cho biết: Đó là những vùng chứa khoáng sản và đặc điểm của nó là phát lộ trên mặt đất. Chính vì vậy, những vùng đất này không nhiều. Nghiên cứu của Liên đoàn Địa chất – Xạ hiếm đã chỉ ra những vùng nhiễm xạ tự nhiên như xã Tiên An (huyện Tiên Phước, Quảng Nam); Nậm Xe (Lai Châu), Bình Đường (Cao Bằng), Đông Nam Bến Giằng (Quảng Nam) và vùng mỏ đất hiếm Mường Hum (huyện Bát Xát, Lào Cai)… Tất cả những báo cáo nghiên cứu này đã được chuyển cho địa phương để họ có cách sử dụng khi thực hiện quy hoạch khu vực dân cư, các công trình công cộng, an sinh, quốc phòng.
Sớm hoàn thành bản đồ phân vùng ảnh hưởng phóng xạ
Về lý thuyết: Khi các nguyên tố phóng xạ có điều kiện phát tán vào nước, thực vật, không khí… chúng xâm nhập vào cơ thể qua đường thở và ăn uống, gây nguy hiểm. Nói cách khác, các nguyên tố phóng xạ phân rã trong cơ thể, phá huỷ hoặc gây biến đổi mô tế bào, dẫn tới ung thư, gây đột biến gen hoặc dị tật cho con cái của người bị chiếu xạ. Nếu bị chiếu ngoài (tia phóng xạ từ bên ngoài môi trường chiếu vào cơ thể) có thể gây bệnh máu trắng… Nguy hiểm hơn là người dân ở đây sinh sống, cầy cấy trên chính loại đất này khiến cây trồng của họ cũng có khả năng bị nhiễm xạ. Những loại cây được chỉ ra là có khả năng hấp thụ phóng xạ cao như khoai sọ, sắn, lạc, khoai lang…
Tuy nhiên, việc các chất phóng xạ có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không, ảnh hưởng đến mức nào lại phụ thuộc rất nhiều vào cường độ phát xạ, thời gian tiếp xúc… Ông Nam đưa ra một ví dụ: Nếu viên gạch được làm từ vùng đất nhiễm phóng xạ tự nhiên thì nếu dùng để lát sân cũng khác hẳn với dùng để xây tường, làm nhà. Điều đó cho thấy, nếu chỉ đi qua vùng đó 1- 2 lần hoặc chỉ ăn ngô, lúa ở đây vài ba lần thì không thể phát bệnh ung thư, hay biến đổi gen như cảnh báo. Một đặc điểm nữa mà ông Nguyễn Văn Nam cũng nhấn mạnh: Đa số vùng nhiễm phóng xạ tự nhiên là vùng rừng núi cách xa khu dân cư. Điều này cũng là may mắn vì như vậy, nguồn phát xạ cũng được giảm thiểu rất nhiều.
Được biết, hiện tại, Liên đoàn Địa chất – Xạ hiếm đang được giao nhiệm vụ xây dựng bản đồ phông bức xạ của Việt Nam. Điều này có thể nói là khá chậm so với các nước vì nó rất có ý nghĩa trong việc xác định vùng quy hoạch đối với khu dân cư. Tuy nhiên, những phác thảo đầu tiên mới đang được xây dựng, nhanh cũng phải đến năm 2012 mới có thể hoàn thành bản đồ này.
(Theo Hoàng Lê – Monre)