Làm sạch nước đơn giản và hiệu quả nhờ sợi cácbon

Một cách làm sạch nước trong các ao, hồ, dòng sông cực kỳ đơn giản và hiệu quả, đang được thử nghiệm và áp dụng tại một số nước trên thế giới, là sử dụng sợi cácbon. Sợi cácbon có những tính chất nổi bật là rất bền, nhẹ, không dễ bắt lửa và đặc biệt là không gây hại với sức khỏe của con người.

Sau rất nhiều thí nghiệm, giáo sư Akira Kojima của Đại học Công nghệ Gunma, Nhật Bản phát hiện ra rằng các mảng sợi cácbon có khả năng làm sạch nước, giảm nồng độ phốtpho trong các ao, hồ, thậm chí có thể làm sạch cả… nước tiểu.

Lý do đưa giáo sư Kojima đến phát hiện này rất tình cờ. 15 năm trước, ông đánh rơi một vài sợi cácbon xuống một ao nước. Khi nhặt lên, ông ngạc nhiên khi thấy hai chiếc lá rơi xuống hồ từ trước đó cứ “bám chặt” lấy những sợi cácbon này. Thêm vào đó, những sợi cácbon này rất trơn và dường như chúng hút hết các chất bẩn trong nước.

tt17

Một thí nghiệm làm sạch nước bằng sợi cácbon. (Ảnh: Nguyệt Ánh/Vietnam+)

Cho đến thời điểm hiện tại, sợi cácbon đã được sử dụng để làm sạch nước ở các ao, hồ, sông, suối ở hơn 200 dự án tại Nhật Bản. Công nghệ này đã được xuất khẩu sang Trung Quốc từ tháng 3/2008 và được áp dụng đầu tiên tại sông Tô Châu và hồ Taihu.

Tại đây, người ta đặt xuống mỗi nơi khoảng 800 đơn vị sợi cácbon. Kết quả cho thấy sợi cácbon có thể làm giảm nồng độ amôniắc trong nước. Thêm vào đó, sau 4 tháng kể từ khi đặt số lượng sợi cácbon này xuống, rất nhiều các loại cá đã tìm đến đám sợi cácbon để đẻ trứng, làm tăng lượng cá cho hai sông, hồ này.

Kết quả tương tự cũng thu được khi áp dụng công nghệ này tại một số ao, hồ ở Philippines.

Chủ nhân của phát hiện này, giáo sư Akima Kojima cho rằng khi mà loài người đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức và gặp nhiều rào cản về công nghệ, thì vật liệu cácbon là giải pháp giúp chúng ta xây dựng một thế giới an toàn hơn.

“Vật liệu cácbon có thể là cách hiệu quả để giải quyết vấn đề về ô nhiễm nguồn nước,” ông nói.

Giáo sư của Đại học Công nghệ Gunma cũng bày tỏ hy vọng công nghệ này sẽ được áp dụng tại Việt Nam, nơi có khá nhiều các dòng sông, ao, hồ đang bị ô nhiễm./.

(Theo DWRM)