Hiện tại ở TP HCM, nước từ sông được lấy và đưa vào các nhà máy xử lý nước. Tại đây nước được tách các chất dơ bẩn để cho ra nước sạch cung cấp cho người dân. Chất dơ bẩn còn lại là bùn được các nhà máy nước đổ ngược lại sông, làm ô nhiễm trở lại nguồn nước. Thực tế này khiến thành phố buộc tính tới phương án xử lý bùn để bảo vệ môi trường.
“Đây là lần đầu tiên thành phố quan tâm đến việc xử lý bùn từ các nhà máy nước, vì hiện hầu hết bùn từ những nhà máy này đều đổ ra sông. Ví dụ như nhà máy nước Thủ Đức đổ loại chất thải này ra suối Cái chảy ra sông Sài Gòn”, ông Pham Douglas Huey, Trưởng đại diện Công ty CDM International Inc. (CDM) tại Việt Nam nói.
Phát biểu trong buổi ký kết hợp đồng lập báo cáo Nghiên cứu khả thi cho khu xử lý bùn từ các nhà máy nước tại TP HCM chiều nay, ông Pham Douglas Huey cho biết, bùn sẽ được xử lý thành chất hữu cơ đất bình thường có thể dùng phủ lên các bãi rác.
Dự kiến báo cáo nghiên cứu khả thi này sẽ hoàn thành trong 10 tháng (từ 15/1/2010). Tổng mức đầu tư gần 12,5 tỷ đồng, chủ dự án là Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco). Khi hoàn thành, công trình này sẽ phát triển cơ sở dữ liệu một cách chi tiết của các nhà máy nước chính tại TP HCM, khảo sát chất lượng, khối lượng bùn lắng, đề xuất phương án khả thi để xử lý và đổ bỏ bùn.
Sau đó, dựa trên báo cáo này, TP HCM sẽ đầu tư xây dựng khu xử lý bùn tại Thủ Đức với diện tích 7 ha. Khu xử lý bùn dự kiến sẽ giải quyết khối lượng bùn của các nhà máy nước tại Thủ Đức và của thành phố trong tương lai.
(Theo Vnexpress.net)