Dùng “nước ảo” để quản lý nước thật

2Phương pháp tính toán lượng nước cần thiết để làm ra thực phẩm và hàng tiêu dùng mang tên “Nước ảo” đã đem về cho nhà khoa học người Anh John Anthony Allan giải thưởng Nước Stockholm 2008.

Để có được một cân gạo trắng ngần, ta phải sử dụng tới 3.400 lít nước; một cốc cà phê tiêu tốn 140 lít nước; một chiếc áo coton ngốn 4.100 lít nước… Lượng nước này gọi là “nước ảo”. Tiết kiệm nước chính từ việc quản lý sản xuất, xuất nhập khẩu  hàng hóa.

Khái niệm “nước ảo” được nhà khoa học người Anh John Anthony Allan giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1988. Khi đó người ta coi đây là một kiểu tính toán con nít. Song khi biến đổi khí hậu gây ra khan hiếm nước ngày càng trầm trọng, khái niệm “nước ảo” thực sự hữu ích trong quản lý tài nguyên nước.

Theo GS. John Anthony Allan, “nước ảo” không phải là lượng nước tồn tại trong sản phẩm mà là nước được sử dụng trong quá trình sản xuất ra sản phẩm. Và theo các tính đó, GS. John Anthony Allan đã đưa ra những con số giật mình. Như để làm ra một chiếc bánh hamburger phải tiêu tốn 2.400 lít nước từ việc trồng lúa mì, xay bột, làm nhân bánh, trồng rau… để có 1 ký thịt bò, phải cần đến 15.340 lít nước. Bởi trong ba năm nuôi một con bò cho 200kg thịt, nó đã ăn đến 1.300kg ngũ cốc (lúa mì, bắp, đậu nành, lúa mạch…) và 7.200kg cỏ. Để sản xuất lượng ngũ cốc và cỏ đó phải cần đến ba triệu lít nước. Lại còn cần thêm 24.000 lít nước cho con bò uống và 7.000 lít cho các hoạt động chăm sóc khác dành cho con bò. Chiếc khăn giấy dùng một lần nặng 75g mà chứa tới 810 lít nước ảo hay chiếc xe chở khách 1,1 tấn cần 400.000 lít nước…

Nhờ lý thuyết “nước ảo”, người ta phát hiện những nước như Mỹ, Argentina và Brazil xuất khẩu hàng tỉ mét khối nước trong khi các nước như Nhật, Ai Cập và Italia lại nhập hàng tỉ mét khối nước mỗi năm.

Nói là “ảo” song trong quá trình sản xuất, người ta đều lấy nước thật từ lòng đất, sông hồ… “Ảo” chỉ ở góc độ không nhìn thấy trong sản phẩm. Khái niệm này có ý nghĩa đặc biệt quan trong khi đặt nó trong thị trường nước và giao dịch nước ảo.

Nhà khoa học Nguyễn Thị Phương, Phân viện Khí tượng thủy văn và Môi trường phía Nam cho biết, cần hiểu sự giao dịch “nước ảo” chính là trao đổi những hàng hóa mang trong mình “nước ảo”, như lương thực, thực phẩm, quần áo, giày dép, nông sản…

Bà Phương giải thích, nếu một quốc gia nhập khẩu lúa mì thay vì tự sản xuất thì quốc gia đó tiết kiệm được 1.300 m3 nước thật. Nếu quốc gia đó khan hiếm nước thì họ có thể dùng lượng nước “tiết kiệm” được do nhập khẩu lúa mì để dùng cho các mục đích khác cần thiết hơn. Chính vì vậy trao đổi nguồn nước ảo là một phương tiện có thể khắc phục tình trạng thiếu nước ở một số quốc gia. Việc buôn bán nước ảo có thể tạo ra sự cân bằng về tiêu dùng nước giữa các quốc gia.

Theo bà Phương, nhu cầu nước của nước ta ngày càng lớn trong khi nguồn nước của chúng ta không dồi dào, phụ thuộc nhiều từ các sông quốc tế. Bởi thế, lý thuyết “nước ảo” có thể góp phần vào việc điều tiết nguồn nước ở tầm vĩ mô.

Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu lúa lương thực dẫn đầu thế giới nghĩa là đã xuất đi một lượng nước rất lớn. Việc xuất khẩu đã giúp ta thu nguồn lợi lớn về kinh tế và giúp ổn định an ninh lương thực thế giới. “Về lâu dài, cần xem xét việc quy hoạch sản xuất phù hợp với nguồn nước ở khu vực, từng địa phương mang tính vĩ mô cả nước”, bà Phương đề nghị.

(Theo BTNMT)