Bản đồ được cho là toàn diện nhất từ trước đến nay, do các nhà khoa học thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) công bố.
Các nhà khoa học cho biết, sau khi phân tích dữ liệu từ Hệ thống vệ tinh chụp ảnh trái đất (Landsat) của NASA, họ ước tính rừng ngập mặn còn tồn tại chiếm 12,3% diện tích bề mặt trái đất (tương đương khoảng 137.760km2).
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Chandra Giri tại USGS, con số trên sẽ tiếp tục giảm trong tương lai: rừng ngập mặn toàn cầu đang biến mất nhanh chóng do biến đổi khí hậu làm mực nước biển dâng cao, phá rừng để phát triển kinh tế ven biển, làm nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Theo số liệu của EO, Indonesia có 17.000 hòn đảo nhỏ và chiếm gần ¼ diện tích rừng ngập mặn trên thế giới. Tuy nhiên, các khu rừng này đã bị giảm một nửa trong ba thập kỷ qua – cụ thể giảm từ 4,2 triệu ha năm 1982 xuống còn 2 triệu trong năm 2000. Trong phần rừng còn lại, có gần 70% là “trong tình trạng nguy kịch và bị thiệt hại nặng”.
Tạp chí Science Daily cho biết, rừng ngập mặn được tìm thấy ở 118 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có khoảng 42% rừng ngập mặn trên thế giới được tìm thấy tại châu Á, theo sau là châu Phi với 21%, 15% thuộc Bắc và Trung Mỹ, 12% tại châu Đại Dương và cuối cùng là Nam Mỹ với 11%.
Theo Đài Quan sát Trái đất (EO) của NASA, rừng mập mặn là một trong những hệ sinh thái có mức đa dạng sinh học cao trên hành tinh và là hệ sinh thái đặc trưng của đường bờ biển nhiệt đới và cận nhiệt đới.
Rừng mập mặn còn được xem là “vườn ươm” cho nhiều loài sinh vật biển, cung cấp kế sinh nhai cho cư dân ven biển, cũng như làm “lá chắn” hiệu quả trước những cơn bão và sóng thần. Tầm quan trọng của rừng này to lớn như thế nhưng qua nghiên cứu cho biết có chưa đầy 7% diện tích rừng ngập mặn trên thế giới là được bảo vệ bởi luật pháp.
(Theo Monre.gov.vn)