Hiện nay, các nhà khoa học của Việt Nam đã làm chủ được công nghệ biến nước mặn, nước phèn chua thành nước ngọt với chất lượng tương đương nhập ngoại mà giá thành lại phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam.
Với công nghệ biến nước mặn thành nước ngọt, đầu tiên phải kể đến Viện Khoa học vật liệu ứng dụng (thuộc Viện Khoa học và công nghệ VN). Giá của chiếc máy lọc nước chỉ khoảng 350 triệu đồng, rất phù hợp lắp đặt trên tàu ngư dân. Hiện các nhà khoa học chỉ dùng màng lọc là thiết bị nhập của Mỹ, phần còn lại sản xuất trong nước.
Công nghệ thì phức tạp, song vận hành đơn giản ngay đối với ngư dân – những lao động phổ thông. Chỉ cần lắp nguồn điện 2,2kW từ máy nổ tàu cá, máy có thể vận hành và không tốn thêm nhiên liệu. Nguồn vào hút trực tiếp từ biển, qua bể tiền xử lý (lọc thô rong rêu, cặn, bụi bẩn), sau đó vào hệ thống màng lọc rồi ra nước ngọt mà không có bất cứ hóa chất xử lý nào.
Nước sau khi lọc tinh khiết, không có vi trùng, vi khuẩn nên có thể uống ngay. Công suất trung bình 1,4m3 nước biển sẽ cho ra 300 lít nước ngọt/giờ, sau 7 năm vận hành liên tục mới phải thay thế màng lọc.
Còn với vùng ĐBSCL, vào mùa khô, nước kênh rạch nhiễm phèn nên chứa nhiều ion sunphát, sắt, nhôm… không dùng được, đã có công nghệ biến nước phèn chua thành nước ngọt bằng DS-3 của TS Nguyễn Bá Trinh và cộng sự, Viện Hóa học (thuộc Viện KH – CN Việt Nam). Ngoài khả năng cố định sắt (II), mangan, nhôm, sunphát, DS-3 còn giữ được các ion kim loại khác. Nhờ vậy, nó còn có thể được dùng để xử lý nước giếng, nước nhiễm flo, kim loại nặng cũng như nước lũ.
Nước sau xử lý đạt tiêu chuẩn dùng cho sinh hoạt. Bản thân DS-3 là hỗn hợp khoáng và chất hữu cơ có nguồn gốc sinh học, nên an toàn cho người sử dụng và môi trường. Nếu sử dụng DS-3, người dân chỉ phải trả khoảng 2.000 đồng/m3 nước, rẻ hơn nhiều giá hiện hành. Sau khoảng 2 năm sử dụng mới cần thay vật liệu lọc.
(Theo Monre.gov.vn)