Thời gian qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên nguồn nước mặt đang ngày càng bị đe doạ. Vì thế, các tầng chứa nước ngọt sẽ trở thành nguồn cung cấp nước chủ yếu trong tương lai của Việt Nam. Hơn bao giờ hết, Việt Nam đã và đang đặc biệt quan tâm bảo vệ nguồn nước ngầm, đồng thời xác định quản lý bền vững nguồn tài nguyên hữu hạn này là một yếu tố quan trọng cho đời sống dân sinh, sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Trong thập kỷ vừa qua, sự gia tăng của hoạt động khai thác nước ngầm đã gây ra những tác động tiêu cực đến nguồn tài nguyên quý giá này. Tại nhiều vùng đã xảy ra hiện tượng giảm mực nước ngầm ở phạm vi vùng. Nhiều nơi bị sụt lún đất, đặc biệt tại các khu đô thị. Nước ngầm vùng duyên hải bị nhiễm mặn do sự xâm nhập của nước biển. Một số nguồn nước bị ô nhiễm do không có biện pháp xử lý thích hợp đối với nguồn nước thải sinh hoạt, nước thải nông nghiệp và công nghiệp,… Đó là những vấn đề chính mà Việt Nam đã, đang phải đối mặt và cần có sự kiểm soát hoạt động sử dụng nước ngầm.
Trong bối cảnh đó, tăng cường bảo vệ nước ngầm là yếu tố quan trọng cho sự phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam. Do vậy, ngày 24/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2060/QĐ-TTg phê duyệt danh mục Dự án “Tăng cường bảo vệ nước ngầm tại Việt Nam”, sử dụng ODA không hoàn lại của Chính phủ Đức.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ quản Dự án, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia là chủ Dự án. Dự án được thực hiện với mục tiêu tăng cường quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên nước dưới mặt đất tại Việt Nam nhằm phòng chống nguy cơ suy thoái, cạn kiệt, xâm nhập mặn dưới tác động của biến đổi khí hậu. Đồng thời, Quyết định số 2060/QĐ-TTg cũng nêu rõ các kết quả chính của Dự án cần đạt được là:
Thứ nhất, xây dựng các văn bản hướng dẫn kỹ thuật và các khuyến nghị về bảo vệ, khai thác tài nguyên nước ngầm tại các địa phương.
Thứ hai, bổ sung các dữ liệu điều tra cơ bản về nước ngầm tại các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, sửa chữa và nâng cấp mạng quan trắc xâm nhập mặn tài nguyên nước dưới đất trong vùng Dự án (báo cáo hiện trạng, cơ sở dữ liệu, mô hình xâm nhập mặn, mạng quan trắc).
Thứ ba, tăng cường năng lực kỹ thuật về điều tra, đánh giá bảo vệ tài nguyên nước dưới đất cho các cơ quan tham gia Dự án (đào tạo nâng cao năng lực cán bộ và lắp đặt hệ thống trang thiết bị văn phòng thực địa).
Thứ tư, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ tài nguyên nước dưới đất cho địa phương vùng Dự án.
Thứ năm, tăng cường việc phối kết hợp giữa các cơ quan quản lý, đối tượng sử dụng nước và các bên liên quan tại các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Với kinh nghiệm thực hiện thành công hai giai đoạn đầu của Dự án “Tăng cường bảo vệ nước ngầm tại Việt Nam” (IGPVN) trong khuôn khổ Chương trình hợp tác kỹ thuật giữa Chính phủ Đức và Chính phủ Việt Nam, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia sẽ sớm thực hiện hiệu quả Dự án “Tăng cường bảo vệ nước ngầm tại Việt Nam” ngay sau khi văn kiện Dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt và điều ước quốc tế cụ thể về ODA có hiệu lực.
(Hồng Nhung – NAWAPI)