Chiều ngày 08/03/2016, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã tổ chức cuộc họp bàn về Dự án “Tăng cường bảo vệ nước ngầm tại Việt Nam” – Dự án ODA với sự tham gia của Viện Liên bang Khoa học Địa chất và Tài nguyên liên bang (BGR). Tham dự buổi họp có ông Tống Ngọc Thanh – Tổng Giám đốc Trung tâm QH&ĐTTNNQG, ông Vũ Thanh Tâm – Trưởng ban KHCN&HTQT, ông Bùi Du Dương – Phó Trưởng ban Quan trắc TNN, ông Nguyễn Văn Huy – Ban KHCN&HTQT và các đại diện bên phía BGR.
Tại cuộc họp, TS.Tống Ngọc Thanh – Tổng Giám đốc Trung tâm QH&ĐTTNNQG đã chỉ ra một số vấn đề mà hiện nay dự án đang vướng mắc. Trong đó, có mấy vấn đề nổi bật sau: Dự án đã được ký kết và triển khai từ năm 2015 nhưng cho đến thời điểm hiện tại thì khối lượng công việc mà dự án đã thực hiện chưa được nhiều, đặc biệt là trong kỹ thuật mới chỉ sơ bộ lựa chọn được khu vực để triển khai, chưa thấy các hoạt động cụ thể của nhóm kỹ sư bên phía BGR. Chính vì vậy,trong quá trình thực hiện có rất nhiều vấn đề Trung tâm muốn chủ động thực hiện nhưng chưa thể làm được. Qua đó, TS.Tống Ngọc Thanh khẳng định mục đích của Dự án “Tăng cường bảo vệ nước ngầm” là giúp quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất cho Việt Nam, tuy nhiên số kỹ sư bên phía Việt Nam tham gia dự án lại quá ít nên không nắm bắt được những vấn đề cốt lõi của Dự án. Chính vì vậy, Trung tâm muốn cử tối đa 6 cán bộ sang dự án trong 6 tháng, sau đó cử tiếp nhóm cán bộ khác sang thay để hiểu và nắm vững được toàn bộ quá trình khi thực hiện dự án.
Phía bên Trung tâm cũng hoàn toàn đồng ý với dự án về việc chọn khu vực ĐBSCL làm nơi triển khai dự án vì vấn đề xâm nhập mặn ngày càng cao ở khu vực này. Với vấn đề xâm nhập mặn đang ngày càng trở nên bức thiết, trong thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu báo cáo ngay tình hình các dự án liên quan đến tài nguyên nước, đặc biệt là các dự án có nguồn lực nước ngoài tại các khu vực nêu trên. Do đó, việc hoàn thành hệ thống quan trắc ở ĐBSCL là một yêu cầu gấp rút và cần được triển khai, hoàn thành trong thời gian sớm nhất.
Trung tâm cũng đề nghị phía BGR có thể cung cấp bản dự toán cho từng gói kế hoạch cụ thể, để khi triển khai thực hiện tránh việc vượt quá dự toán và làm thay đổi thiết kế ban đầu.
Trả lời một số vấn đề mà phía Trung tâm đã nêu, Bà Dorit Geb.Hadersbeck Lehrack – Cố vấn trưởng Dự án cho biết: Các nội dung chính của Dự án đã được thông qua và thống nhất toàn bộ, chỉ có một số vấn đề nhỏ về hiểu nhầm ngôn ngữ. Kế hoạch của Dự án đã chia thành các gói công việc cụ thể, trong tuần tới Dự án sẽ gửi cho Trung tâm tham khảo và góp ý. Bà Dorit cũng cho biết thêm, ban đầu Dự án sẽ được triển khai ở khu vực U Minh trước, sau đó sẽ xem xét lại vấn đề về ngân sách để có thể nhân rộng tiếp ra các khu vực khác. Về phần ngân sách bên BGR cũng chưa dự trù được toàn bộ, do Việt Nam đã có kinh nghiệm trong các dự án trước nên Dự án cần phía Việt Nam giúp đỡ về việc lập dự toán cho bên BGR, tránh tình trạng đội vốn không cần thiết.
(TT DLQHĐTTNN)