Hội thảo Quản lý tổng hợp tài nguyên nước và Lễ bàn giao kết quả Dự án “Tăng cường năng lực quy hoạch và điều tra nước ngầm cho tỉnh Nam Định”

A1_20_11_2013Ngày 19 tháng 11 năm 2013, tại tỉnh Nam Định, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (NAWAPI), Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định tổ chức Hội thảo Quản lý tổng hợp tài nguyên nước và Lễ ký kết Biên bản bàn giao kết quả thực hiện Dự án “Tăng cường năng lực quy hoạch và điều tra nước ngầm tại các khu đô thị” (tên ngắn gọn là “Tăng cường bảo vệ nước ngầm ở Việt Nam – IGPVN”) tại tỉnh Nam Định. Đây là dự án hỗ trợ kỹ thuật nguồn vốn ODA do Chính phủ CHLB Đức tài trợ cho Chính phủ Việt Nam, được triển khai thực hiện từ tháng 6 năm 2009 và dự kiến kết thúc vào tháng 6 năm 2014.

TS. Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Ban quản lý Dự án IGPVN chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo, về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có TS. Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Nguyễn Duy Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ; ông Lê Hữu Thuần, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước; PGS.TS. Phạm Quý Nhân, Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm QH&ĐTTNNQG, Nguyên Giám đốc Ban quản lý Dự án IGPVN, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội; TS. Vũ Thanh Tâm, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án IGPVN; ông Jens Boehme, Cố vấn trưởng Dự án IGPVN và nhóm Kỹ thuật đến từ Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên Liên bang Đức (BGR). Về phía tỉnh Nam Định có ông Nguyễn Viết Hưng, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Nam Định; ông Vũ Minh Lượng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nam Định; đại diện Phòng TNN-KS, Trung tâm Quan trắc, Sở TN&MT Nam Định; đại diện các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan, cơ quan quản lý tài nguyên nước các huyện trong tỉnh Nam Định và các phóng viên đến từ Kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam, Kênh VTC14 Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, Đài Phát thanh và Truyền hình Nam Định, Báo Tài nguyên và Môi trường, Báo Nam Định cùng tham dự.

A2_20_11_2013

Mở đầu Hội thảo, ông Jens Boehme, Cố vấn trưởng Dự án IGPVN cho biết, tăng cường bảo vệ nước ngầm là một nhân tố thiết yếu cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Đây cũng là mục tiêu chính của Dự án Tăng cường Bảo vệ Nước ngầm tại Việt Nam (IGPVN). Ngày nay, quản lý bền vững nguồn nước ngầm thường được hiểu là một cấu phần của quá trình Quản lý tổng hợp Tài nguyên nước. Quá trình này dựa trên phương pháp cùng tham gia của người sử dụng, người lập kế hoạch và các nhà hoạch định chính sách ở các cấp. Dự án IGPVN ủng hộ cho tiến trình này thông qua việc thúc đẩy giao lưu hợp tác, trao đổi số liệu và mạch công tác giữa các cơ quan liên quan tới lĩnh vực nước. Thêm vào đó, Dự án còn tổ chức các các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức về trách nhiệm sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước trong cộng đồng. Dự án IGPVN được tiến hành tại 5 tỉnh: Nam Định, Hà Nam, Hà Nội, Quảng Ngãi và Sóc Trăng. Một số vấn đề được xác định là mối quan tâm chính cho công tác quản lý tài nguyên nước ngầm tại Việt Nam và là tâm điểm của dự án IGPVN: nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn bởi sự xâm nhập của nước biển; ô nhiễm nước ngầm do nước thải công nghiệp và sinh hoạt; quản lý và đọc dữ liệu địa chất thủy văn và các dữ liệu liên quan sử dụng công nghệ GIS; cải thiện mạng lưới quan trắc; xác định các đới bảo vệ nước ngầm và giới hạn khai thác; phát triển chiến lược khai thác và sử dụng nước ngầm, phát triển bền vững tài nguyên nước ngầm. Bước đầu, các hoạt động của Dự án sẽ tập trung tại tỉnh Nam Định và xem đây là một mô hình thí điểm, sau đó dần được mở rộng ra các tỉnh khác của miền Bắc và miền Nam Việt Nam.

A3_20_11_2013

Tại Hội thảo, TS. Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia trình bày hướng tiếp cận của Dự án IGPVN, quá trình thực hiện Dự án tại tỉnh Nam Định và tổng hợp các kết quả chính Dự án đã đạt được tại tỉnh Nam Định. Trong thời gian qua, Dự án IGPVN đã xây dựng 10 trạm quan trắc (Q220-Q229) với tổng số 19 giếng quan trắc, độ sâu tối đa 160m dưới mặt đất, quan trắc 3 TCN chính là Holocen (qh1), Pleistocen (qh2, qh1) và Neogen (n). Các giếng khoan quan trắc được lắp đặt thiết bị quan trắc tự động (DIVER) từ tháng 9/2010. Dự án IGPVN đã thực hiện 9 lần kiểm tra định kỳ các giếng khoan quan trắc và DIVER từ tháng 7/2011 đến tháng 9/2013, với sự phối hợp chặt chẽ của NAWAPI và Sở TN&MT Nam Định. Dự án đã kết hợp đào tạo, nâng cao năng lực quan trắc và quản lý NDĐ cho cán bộ Sở thông qua các khóa đào tạo tập trung (khóa học ArcGIS 9/2009, khóa học ArcGIS 3-4/2010, khóa tập huấn Khoanh đới bảo vệ NDĐ 7/2013), thông qua thực tiễn điều tra, khảo sát thực địa (phương pháp lấy mẫu thủy hóa 5/2010, phương pháp điều tra thông tin khai thác nước 8/2011, cách sử dụng các thiết bị quan trắc NDĐ như máy đo đa chỉ tiêu, thước đo mực nước, DIVER, Trimble và các thiết bị định vị GPS, máy bơm và cách trích xuất dữ liệu quan trắc từ DIVER, lưu trữ, tính toán. Dự án đã thực hiện khảo sát thực địa, thí nghiệm hiện trường: lấy mẫu lõi khoan phân tích thành phần hạt; thí nghiệm Slug (tháng 9/2010) tính toán các thông số của TCN; lấy mẫu nước phân tích thành phần hóa học, đồng vị (tháng 5/2010); điều tra tình trạng khai thác NDĐ dùng cho sinh hoạt (cuối tháng 8/2011, tại 163 hộ ở 17 xã) để phục vụ xây dựng mô hình số ĐCTV; phân tích, xử lý số liệu,… Đồng thời, Dự án đã bàn giao các thiết bị kỹ thuật cho Sở TN&MT Nam Định, phục vụ công tác quan trắc tài nguyên NDĐ; tổ chức Hội thảo Quản lý Tổng hợp Tài nguyên nước, nâng cao nhận thức các bên liên quan đến khai thác, sử dụng NDĐ tại Nam Định; hỗ trợ Sở TN&MT Nam Định tổ chức các sự kiện quan trọng như Ngày Nước Thế giới 22/3/2013.

TS. Tống Ngọc Thanh cho biết, Dự án IGPVN đã xây dựng thành công một mạng quan trắc nước dưới đất có chất lượng cao và hiện đại tại tỉnh Nam Định, đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên nước dưới đất. Trong thời gian 3 năm, từ tháng 9/2010 – 9/2013, mạng quan trắc NDĐ tại tỉnh Nam Định đã được vận hành tốt, dữ liệu quan trắc đã phản ánh chi tiết hiện trạng nguồn tài nguyên NDĐ tại tỉnh Nam Định; kết quả lập mô hình cung cấp các thông tin chi tiết, cụ thể, giúp hiểu rõ hơn về cấu trúc địa chất, ĐCTV tỉnh Nam Định, về cơ chế bổ cập NDĐ, về viễn cảnh hạ thấp mực nước, phục vụ đắc lực cho công tác quy hoạch, quản lý tài nguyên NDĐ tại tỉnh Nam Định; cơ sở Dữ liệu Tài nguyên nước được xây dựng đồng bộ, chi tiết. Đặc biệt, Dự án đã xây dựng được mô hình 3D về thấu kính nước ngọt của tỉnh Nam Định, cập nhật kết quả quan trắc để miêu tả, theo dõi sự biến động của thấu kính nước ngọt theo thời gian, có ý nghĩa quan trọng trong công tác Quản lý tổng hợp tài nguyên nước.

A4_20_11_2013

Thay mặt ngành TN&MT tỉnh Nam Định, ông Vũ Minh Lượng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nam Định bày tỏ niềm vinh dự khi Nam Định được chọn làm nơi thí điểm của Dự án IGPVN, ghi nhận các kết quả mà Dự án đã thực hiện được cho ngành TN&MT tỉnh và trân trọng cảm ơn Bộ Tài nguyên và Môi trường, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã làm việc tận tình đem lại thành công của Dự án. Đồng thời, Sở TN&MT Nam Định cam kết sau khi được tiếp quản các thành quả của Dự án, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương, đơn vị thực hiện tốt các bước tiếp theo, đảm bảo phát huy hiệu quả cao nhất phục vụ đắc lực cho công tác đánh giá và quản lý tài nguyên nước ngầm trên địa bàn tỉnh.

A5_20_11_2013

Tại Hội thảo, trước sự chứng kiến của các Bộ ban ngành, đơn vị hữu quan, Đại diện Lãnh đạo Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia và Sở Tài nguyên và Môi trường Nam Định đã ký kết Biên bản ghi nhớ, làm căn cứ để Sở Tài nguyên và Môi trường Nam Định tiến hành thực hiện theo Biên bản bàn giao các công trình, cụm giếng quan trắc nước dưới đất tại tỉnh Nam Định theo quy định của pháp luật Việt Nam. Sau khi hai bên ký Biên bản ghi nhớ, Sở Tài nguyên và Môi trường Nam Định có trách nhiệm quản lý, bảo vệ và duy trì vận hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2014 theo quy định của Thông tư số 19/TT-BTNMT ngày 18 tháng 7 năm 2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

A6_20_11_2013

Tại buổi lễ ký kết, đại diện Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định, ông Nguyễn Viết Hưng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã biểu dương, ghi nhận những kết quả của Dự án trong thời gian qua, cảm ơn sự hỗ trợ và tạo điều kiện của các Bộ ban ngành hữu quan. Tỉnh Nam Định sẽ khai thác và sử dụng có hiệu quả mạng lưới quan trắc tài nguyên nước ngầm mà Dự án đã thiết lập; tiếp tục cập nhật thiết lập cơ sở dữ liệu quan trắc; thường xuyên tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của tài nguyên nước, nâng cao nhận thức khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm nước, phòng chống ô nhiễm và cạn kiệt tài nguyên nước; tăng cường công tác quản lý, vận hành, khai thác hiệu quả và bền vững các công trình cấp nước sạch. Kết quả của Dự án sẽ là tiền đề quan trọng để tỉnh Nam Định phát huy, tiếp tục nâng cao năng lực đánh giá và quản lý tài nguyên nước; tăng cường quản lý có hiệu quả tài nguyên nước nói chung và tài nguyên nước ngầm trên địa bàn tỉnh nói riêng.

A7_20_11_2013

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của nước ngầm. Nước ngầm là một trong những nguồn tài nguyên thiên nhiên cung cấp nước chính cho dân sinh và cho toàn xã hội. Song việc khai thác và sử dụng quá mức nguồn nước dưới đất đang diễn ra ở nhiều nơi, gây cạn kiệt tài nguyên và tác động không nhỏ đến môi trường. Trước tình hình đó, ngày 26 tháng 11 năm 2009, được sự đồng ý của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Uỷ ban nhân dân tỉnh Nam Định, Dự án IGPVN đã tổ chức Lễ khai trương xây dựng các trạm quan trắc nước ngầm tại tỉnh Nam Định. Đến nay, sau gần 4 năm, các công trình, cụm giếng khoan quan trắc nước dưới đất do Dự án IGPVN xây dựng đã được hoàn thiện, hoạt động tốt và có thể sử dụng như một công cụ hỗ trợ công tác quản lý tài nguyên nước dưới đất ở địa phương. Thay mặt Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, TS. Nguyễn Thái Lai chân thành cảm ơn sự giúp đỡ tạo điều kiện và cộng tác của các ban ngành tỉnh Nam Định trong suốt quá trình Dự án được thực hiện tại tỉnh Nam Định, mong rằng sau buổi lễ ký kết này, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định sẽ ghi nhận những kết quả mà Dự án đã thực hiện được trong thời gian qua tại tỉnh Nam Định và có trách nhiệm quản lý, bảo dưỡng vận hành để các công trình giếng quan trắc nước dưới đất duy trì hoạt động hiệu quả, đóng góp hữu ích cho công tác quản lý tổng hợp tài nguyên nước; hy vọng rằng Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định sẽ tăng cường hợp tác trong tương lai.

A8_20_11_2013

(Hồng Nhung – NAWAPI)