Ngày 24 và 25 tháng 02 năm 2011, tại khách sạn Melia Hà Nội, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước (QHĐTTNN) và Viện Khoa học Địa chất – Tài nguyên Liên Bang Đức (BGR) đã phối hợp tổ chức hội thảo Lập kế hoạch Hành động Dự án “ Tăng cường bảo vệ nước ngầm tại Việt Nam, pha 2”.
Ông Jens Boehme – Chuyên gia trưởng của dự án phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại cuộc hội thảo, ông Đỗ Tiến Hùng – Giám đốc Trung tâm QHĐTTNN hi vọng, giai đoạn 2 của dự án sẽ thực sự phát huy và kế thừa những thành quả mà giai đoạn 1 của dự án đã đạt được. Ông Hùng thẳng thắn thừa nhận, mặc dù giai đoạn 1 của dự án còn một số hạn chế nhất định do yếu tố khách quan và chủ quan, nhưng ông tin tưởng giai đoạn 2 của dự án sẽ khắc phục được những hạn chế này.
Một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm và đưa ra thảo luận rất sôi nổi tại cuộc hội thảo lần này là làm thế nào để nâng cao năng lực và vị thế của Trung tâm QHĐTTNN trong giai đoạn 2 của dự án. Một số các ý kiến cho rằng: cần nâng cao hơn nữa vai trò của Trung tâm trong giai đoạn 2 của dự án; Tăng cường năng lực về thiết bị chuyên môn và cơ sở vật chất cho Trung tâm; Tăng cường và mở rộng các khóa tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực quản lý cho các cán bộ thuộc Trung tâm và các đơn vị trực thuộc…
Tại cuộc hội thảo lần này, các đại biểu đến từ các tỉnh thành tham gia pha 2 của dự án (Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Sóc Trăng và Quảng Ngãi) đã bày tỏ kỳ vọng dự án sẽ hỗ trợ các tỉnh thành lập được bản đồ và mô hình số về địa chất thủy văn cũng như hoàn thiện hệ thống quan trắc tài nguyên nước dưới đất; Bên cạnh đó, vấn đề về hỗ trợ đào tạo và chuyển giao công nghệ cũng được các đơn vị tham gia đặc biệt quan tâm. Ông Phí Quang Hiển – Phó Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi đặt vấn đề: Khi pha 2 của dự án đi vào hoạt động, các sở TN&MT mong muốn các kết quả của dự án sẽ là công cụ giúp cho các đơn vị quản lý nhà nước ra quyết định về quản lý tài nguyên nước. Để đạt được điều này, các cán bộ trong ngành TN&MT phải được tiếp cận và chuyển giao công nghệ một cách bài bản nhằm tiếp nhận và quản lý các kết quả của dự án khi dự án kết thúc; Ông Phạm Văn Khánh – Phó giám đốc sở TN&MT Hà Nội khẳng định, Hà Nội sẽ tích cực tham gia vào pha 2 của dự án. Ông Khánh nhấn mạnh, Hà Nội mong muốn dự án sẽ giúp cho Hà Nội xác định được chính xác ranh giới mặn – nhạt của nước dưới đất thuộc 2 khu vực huyện Thường Tín và Phú Xuyên.
Toàn cảnh Hội thảo
Các đại biểu tham dự hội nghị đã đi đến nhất trí rằng, dự án cần đẩy mạnh đầu tư hơn nữa vào mảng truyền thông, quảng bá hình ảnh để nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ tài nguyên nước cũng như nâng cao tính hiệu quả của dự án. Đây sẽ là một trong những ưu tiên của dự án trong giai đoạn 2 này.
Như vậy, sau 2 ngày làm việc sôi nổi và tích cực, hội thảo Lập kế hoạch Hành động Dự án “ Tăng cường bảo vệ nước ngầm tại Việt Nam, pha 2” do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước (QHĐTTNN) và Viện Khoa học Địa chất – Tài nguyên Liên Bang Đức (BGR) phối hợp tổ chức đã thành công tốt đẹp./.
(Thanh Sơn – Trung tâm Tư liệu và Thông tin tài nguyên nước)