Trong khuôn khổ của Dự án “Tăng cường bảo vệ nước ngầm tại Việt Nam” (IGPVN) do CHLB Đức tài trợ cho Chính phủ Việt Nam thông qua Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên liên bang Đức (BGR) và Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (NAWAPI), ngày 03/11/2016, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã phối hợp với Viện BGR tổ chức Hội thảo “Quản lý tổng hợp tài nguyên nước tại Đồng bằng sông Cửu Long: Cách tiếp cận từ kiến thức khoa học đến nâng cao nhận thức” tại thành phố Cần Thơ.
Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Chí Công, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm QH&ĐTTNNQG; đại diện Viện BGR; đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, chuyên gia, giáo sư từ các trường đại học, các tổ chức xã hội và mạng lưới truyền thông, giáo dục tài nguyên nước.
Hội thảo nhằm tạo diễn đàn trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm giữa các bên có liên quan trong công tác quản lý và truyền thông tài nguyên nước tại các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, Hội thảo là nơi chia sẻ các vấn đề và giải pháp truyền thông tài nguyên nước từ nhiều góc nhìn với 05 mục tiêu cụ thể:
Thứ nhất, nhằm cung cấp cơ hội trao đổi thông tin và kinh nghiệm của các bên liên quan trong lĩnh vực tài nguyên nước, bao gồm các nhiệm vụ, các vấn đề, thách thức và các giải pháp về bảo vệ nước dưới đất tại Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Thứ hai, nhằm tăng cường sự hợp tác của các bên liên quan và kết nối, mở rộng mạng lưới tài nguyên nước.
Thứ ba, nhằm cung cấp cách thức tiếp cận các mạng lưới khác nhau liên quan đến tài nguyên nước.
Thứ tư, nhằm chia sẻ, thảo luận và phát triển các ý tưởng sáng tạo để nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên nước, đặc biệt là nước dưới đất trong cộng đồng dẫn đến sự thay đổi tích cực trong hành vi của cộng đồng.
Thứ năm, nhằm tăng cường đóng góp của Dự án IGPVN trong truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng dựa trên việc phát triển và nâng cao năng lực các mạng lưới hiện có, đặc biệt giúp Dự án xác định các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và mở rộng mạng lưới trong giai đoạn tiếp theo của Dự án.
(Hồng Nhung – NAWAPI)