Hội thảo bàn giao kết quả Dự án “Tăng cường năng lực quy hoạch và điều tra nước ngầm tại các khu đô thị ở Việt Nam” cho tỉnh Quảng Ngãi

IMG_7673Sáng ngày 25 tháng 4 năm 2014, tại tỉnh Quảng Ngãi, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (NAWAPI), Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội thảo bàn giao kết quả thực hiện Dự án “Tăng cường năng lực quy hoạch và điều tra nước ngầm tại các khu đô thị ở Việt Nam” (IGPVN) tại tỉnh Quảng Ngãi. Đây là dự án hỗ trợ kỹ thuật nguồn vốn ODA do Chính phủ CHLB Đức tài trợ cho Chính phủ Việt Nam, được triển khai thực hiện từ tháng 6 năm 2009 và dự kiến kết thúc vào tháng 6 năm 2014.

TS. Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Ban quản lý Dự án IGPVN chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo, về phía Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường có TS. Vũ Thanh Tâm, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án IGPVN, Trưởng Ban Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế (NAWAPI); đại diện Lãnh đạo Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung (NAWAPI); ông Jens Boehme, Cố vấn trưởng Dự án IGPVN và nhóm Kỹ thuật đến từ Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên Liên bang Đức (BGR).  Về phía Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi có ông Phí Quang Hiển, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi; đại diện Lãnh đạo phòng Tài nguyên Khoáng sản – Tài nguyên nước – Khí tượng thủy văn, Trung tâm Quan trắc; đại diện các cơ quan, tổ chức liên quan, cơ quan quản lý tài nguyên nước một số huyện trong tỉnh Quảng Ngãi và đại diện các xã có đặt giếng quan trắc của Dự án IGPVN cùng tham dự.

IMG_7575

Đại diện Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên Liên bang Đức (BGR), ông Jens Boehme, Cố vấn trưởng Dự án IGPVN đã bày tỏ niềm vui khi Dự án IGPVN đã thực hiện hiệu quả tại tỉnh Quảng Ngãi. Thời gian qua, Dự án đã hỗ trợ rất nhiều cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi và Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung (NAWAPI). Dựa vào các kết quả nghiên cứu nền, Dự án IGPVN đã tiến hành thêm các hoạt động quan trắc. Mạng lưới quan trắc và số liệu quan trắc tài nguyên nước dưới đất mà Dự án đem lại sẽ là bước đầu tiên giúp địa phương có thêm dữ liệu để quản lý, quy hoạch tài nguyên nước tốt hơn. Đồng thời, nhờ có các dữ liệu quan trắc, chúng ta có cơ sở vững chắc hơn để đưa ra các quyết định, chính sách, văn bản quản lý về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Đó là câu trả lời cho câu hỏi “Vì sao chúng ta cần quan trắc tài nguyên nước?”. Bởi nếu không có quan trắc tài nguyên nước thì chúng ta sẽ không có cơ sở dữ liệu, không biết được tình hình nước dưới đất và sự vận động của nước dưới đất như thế nào. Có thể nói, quan trắc nước dưới đất sẽ là cơ sở để chúng ta bảo vệ tài nguyên nước tốt hơn. Theo ông Cố vấn trưởng Dự án IGPVN, cách tốt nhất để bảo vệ tài nguyên nước là phòng tránh tất cả các nguy cơ gây ôi nhiễm nguồn nước.

IMG_7673

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho biết, Dự án IGPVN được triển khai thực hiện tại tỉnh Quảng Ngãi từ năm 2012; Dự án được thiết lập ở tỉnh Quảng Ngãi nhằm đáp ứng nhu cầu đặc biệt về quan trắc tài nguyên nước, phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Như chúng ta đã biết, nguồn tài nguyên nước của tỉnh Quảng Ngãi đặc trưng cho vùng ven biển Nam Trung Bộ; các hệ thống sông ngắn, đồng bằng ven biển có trầm tích nông, nước mặt ít, tầng chứa nước mỏng, đặc biệt bị biến động bởi mùa mưa và khô; nguy cơ nước bị nhiễm mặn cao do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Công tác quy hoạch tài nguyên nước tại địa bàn tỉnh là rất cần thiết. Với tầm quan trọng như vậy, được sự nhất trí của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Dự án IGPVN đã nghiên cứu tổng quan về tài nguyên nước, giúp tỉnh Quảng Ngãi thiết lập mạng lưới quan trắc nước ngầm cùng với mạng lưới quan trắc tài nguyên nước quốc gia. Trên cơ sở đó, các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm và Dự án IGPVN đã nghiên cứu, đánh giá chất lượng tài nguyên nước ngầm. Dự án đã hỗ trợ tăng cường năng lực cho các cán bộ Trung tâm, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi trong công tác xây dựng bản đồ tài nguyên nước, xây dựng văn bản về quy hoạch tài nguyên nước, hướng dẫn cán bộ kỹ thuật tiếp cận kỹ thuật quan trắc và đánh giá tài nguyên nước; không chỉ nhà lãnh đạo, những cán bộ kỹ thuật tham gia thực hiện dự án được nâng cao năng lực trong công tác quản lý bảo vệ tài nguyên nước mà người dân ở địa phương đã được nâng cao hiểu biết hơn về sự cần thiết phải bảo vệ nguồn nước quý giá.

Xuyên suốt trong thời gian hoạt động, Dự án đã hỗ trợ phía Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cũng như Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cách thức điều tra, đánh giá tài nguyên nước, khoanh vùng, bảo vệ tài nguyên nước cũng như các kỹ thuật quan trắc, giám sát nguồn nước. Đó là định hướng tốt trong công tác điều tra, đánh giá, quản lý tài nguyên nước. Bước đầu Dự án đã có được một kết quả rất ý nghĩa. Tổng Giám đốc Trung tâm QH&ĐTTNNQG Tống Ngọc Thanh đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi kiến nghị lãnh đạo tỉnh có kế hoạch tiếp tục duy trì và quản lý tốt mạng lưới quan trắc, nguồn dữ liệu từ mạng quan trắc để hoàn thiện mạng lưới quan trắc nước dưới đất của địa phương, phục vụ cho công tác quản lý tài nguyên nước và phát triển kinh tế – xã hội.

IMG_7584

Tỉnh Quảng Ngãi là một trong năm tỉnh thuộc phạm vi thực hiện của Dự án IGPVN. Tại Hội thảo, các cán bộ kỹ thuật của Dự án IGPVN đã trình bày tổng quan các kết quả chính Dự án đã thực hiện được tại tỉnh Quảng Ngãi. Mở đầu Hội thảo, TS. Hoàng Thị Hạnh, ThS. Hoàng Đại Phúc, Cán bộ kỹ thuật Dự án IGPVN đã giới thiệu mạng giếng quan trắc nước dưới đất, công tác kỹ thuật, kết quả quan trắc mực nước dưới đất, kết quả điều tra chất lượng nước ở Quảng Ngãi của Dự án IGPVN. TS. Hoàng Thị Hạnh cho biết, tháng 9 năm 2012, Dự án IGPVN đã xây dựng 09 trạm quan trắc nước dưới đất ở tỉnh Quảng Ngãi, bao gồm 12 giếng khoan quan trắc ở 03 tầng chứa nước chính (qh, qp, qp3). Các cán bộ kỹ thuật đã tiến hành đo mực nước tĩnh bằng thước đo mực nước, bơm xả giếng bằng máy bơm chuyên dụng MP1, đo các thông số hóa lý (pH, EC, ORP, DO) bằng máy đo đa chỉ tiêu WTW, lấy mẫu nước (nước thải, nước dưới đất, nước mặt). Kết quả điều tra cho thấy, một số mẫu nước dưới đất lấy từ 17 giếng khoan ở Quảng Ngãi (cả giếng khoan quan trắc do Dự án IGPVN mới xây dựng và giếng khoan hộ gia đình) bị nhiễm NO3, Fe, Mn hoặc Pb. Các thành phần hóa học trong mẫu nước sông Vệ, sông Trà Khúc đều không cho thấy hàm lượng vượt tiêu chuẩn. Trong nước mặt, hàm lượng NO2 vượt quá QCKTQG từ 2 đến 3 lần; hàm lượng NO3 thấp hơn giá trị quy định đối với nước mặt theo QCKTQG; không phát hiện các anion khác; hàm lượng kim loại và kim loại vết không phát hiện thấy trong nước sông ngoại trừ Pb có mặt trong 6 trên 7 mẫu ở hàm lượng thấp hơn nhiều lần so với giá trị quy định đối với nước uống; không phát hiện thấy các thành phần phenol, dầu mỡ, hoạt chất bề mặt, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu trong mẫu nước sông; hoạt độ phóng sạ α và β được phát hiện trong tất cả các mẫu nước sông nhưng không vượt quá quy chuẩn. Về nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp, các mẫu nước thải sinh hoạt từ hồ điều hòa đều đáp ứng QCKTQG về chất lượng nước thải sinh hoạt; các mẫu nước thải lấy từ kênh Bàu lăng đều đáp ứng QCKTQG về chất lượng nước thải công nghiệp (không phát hiện nguyên tố kim loại và kim loại vết, Phenol, PCB, dầu mỡ, thuốc trừ sâu), có thể xả trực tiếp vào nguồn dung làm nước cấp cho sinh hoạt. Các tầng chứa nước ở Quảng Ngãi nhận bổ cập từ nước khí tượng và nước mặt; tầng qh và qp có quan hệ thủy lực trực tiếp.

IMG_7581

ThS. Hoàng Đại Phúc cho biết, căn cứ vào báo cáo nghiên cứu cơ sở và đề xuất của tỉnh, Dự án IGPVN lựa chọn vị trí, tiến hành khoan thăm dò và lấy mẫu theo phương pháp khoan xoay, tiếp đến thực hiện đo địa vật lý nhằm xác định chính xác địa tầng và vị trí đặt ống lọc; các giếng quan trắc nước dưới đất được kết cấu theo thiết kế, bơm thổi rửa sau chống ông, đồng thời được xây bệ và lắp biển theo quy định. Kết quả quan trắc mực nước dưới đất của Dự án IGPVN tại tỉnh Quảng Ngãi cho thấy, đồ thị các giếng quan trắc ở Quảng Ngãi đều có cùng một xu hướng, giảm xuống về mùa khô và tăng lên về mùa mưa; đường xu thế chung cho cả năm ở các giếng là giảm, một vài giếng có xu thế tăng (IGPVN2a, b; IGPVN6a, b); các giếng quan trắc gần sông Trà Khúc (IGPVN5, IGPVN6) thể hiện mối quan hệ khá chặt với nước sông; các giếng ở xa (IGPVN7) chỉ thể hiện xu thế chung và chỉ tăng đột ngột trong những ngày mưa lớn. Điều đó cho thấy, tầng chứa nước qp có sự bổ cập của nước sông và nước mưa là nguồn bổ cập chính cho các tầng chứa nước qp, qh; khi lượng mưa tăng thì ngay lập tức mực nước dưới đất ở cả hai tầng chứa nước đều dâng lên. ThS. Hoàng Đại Phúc nhận định tại tỉnh Quảng Ngãi, mạng lưới quan trắc đã vận hành tốt, cung cấp tương đối đầy đủ số liệu mực nước một cách liên tục theo thời gian; mối quan hệ chặt chẽ giữa tầng chứa nước Holocen và Pleistocen được chỉ ra khá rõ qua các đồ thị quan trắc, không có những lớp cách nước bảo vệ tầng chứa nước qp cũng như qh, do đó cần có các biện pháp bảo vệ tầng chứa nước và các công trình khai thác nước một cách hiệu quả.

IMG_7599

IMG_7612

Tại Hội thảo, Chuyên gia Dự án BGR Christian Glaser và ThS. Tống Thanh Tùng, cán bộ kỹ thuật Dự án IGPVN đã trình bày về mô hình Địa chất thủy văn Quảng Ngãi, kết quả lập mô hình cấu trúc địa chất thủy văn vùng Quảng Ngãi. Các chuyên gia Dự án IGPVN cho biết, không chỉ xây dựng mạng quan trắc tại tỉnh Quảng Ngãi, Dự án IGPVN còn thực hiện các thí nghiệm liên quan (thí nghiệm Slugtest, thí nghiệm thành phần hạt) để làm sáng tỏ các cấu trúc địa chất thủy văn ở tỉnh Quảng Ngãi. Mặc dù kết quả đạt được trong công tác lập mô hình cấu trúc địa chất thủy văn cho tỉnh Quảng Ngãi chưa phải là hoàn chỉnh song đây sẽ là bước đầu tiên để tỉnh Quảng Ngãi tiếp thu, phát triển mô hình và là công cụ để địa phương quản lý tài nguyên nước.

Untitled

Trước sự chứng kiến của các đơn vị hữu quan, tại Hội thảo, đại diện Lãnh đạo Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia và Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi đã ký kết Biên bản ghi nhớ để làm căn cứ tiến hành quản lý, bảo vệ, duy trì vận hành các công trình, cụm giếng quan trắc nước dưới đất tại tỉnh Quảng Ngãi theo quy định của pháp luật Việt Nam. Sau khi hai bên ký Biên bản ghi nhớ, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi có trách nhiệm quản lý, bảo vệ và duy trì vận hành theo quy định của Thông tư số 19/TT-BTNMT ngày 18 tháng 7 năm 2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Kinh phí vận hành, bảo trì thiết bị cụm giếng quan trắc nước dưới đất do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi lập kế hoạch từ nguồn ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi.

IMG_7562

Thay mặt ngành TN&MT tỉnh Quảng Ngãi, ông Phí Quang Hiển, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi ghi nhận các kết quả mà Dự án đã thực hiện được cho ngành TN&MT tỉnh và trân trọng cảm ơn Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Dự án IGPVN, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã làm việc tận tình đem lại thành công của Dự án. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi cam kết sau khi được tiếp quản các công trình, cụm giếng quan trắc nước dưới đất, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi sẽ có kế hoạch tiến hành quản lý, bảo vệ, duy trì vận hành các công trình, cụm giếng quan trắc nước dưới đất tại tỉnh Quảng Ngãi để đảm bảo phát huy hiệu quả cao nhất các kết quả mà dự án IGPVN đã đạt được, phục vụ đắc lực cho công tác đánh giá và quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.

IMG_7617

(Hồng Nhung – NAWAPI)