Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao thực hiện Dự án “Tăng cường năng lực quy hoạch và điều tra nước ngầm tại các khu đô thị” do Chính phủ Đức tài trợ không hoàn lại cho Việt Nam thông qua Viện Khoa học Địa chất và tài nguyên liên bang (BGR). Giai đoạn I của Dự án được thực hiện từ tháng 6 năm 2009 đến ngày 31 tháng 12 năm 2010, giai đoạn II được thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2011 đến hết 30 tháng 6 năm 2014.
Ngày 16 tháng 9 năm 2015, Trung tâm đã tổ chức nghiệm thu hoàn thành Dự án với sự tham gia đại diện các đơn vị liên quan trong Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Sở Tài nguyên và Môi trường trong vùng Dự án, chuyên gia về tài nguyên nước ngầm, chuyên gia trưởng phía Đức.
Dưới đây là một số nội dung chính được tóm tắt trong Báo cáo kết thúc Dự án “Tăng cường năng lực quy hoạch và điều tra nước ngầm tại các khu đô thị”:
1. THÔNG TIN CHUNG
1.1. Thông tin cơ bản về dự án
Tên dự án (tiếng Việt):
Tăng cường năng lực quy hoạch và điều tra nước dưới đất tại các khu đô thị (Tên ngắn gọn: Tăng cường bảo vệ nước dưới đất ở Việt Nam)
Tên dự án (tiếng Anh): Improvement of Groundwater Protection in Viet Nam
Địa điểm thực hiện dự án: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Quảng Ngãi, Sóc Trăng
Tên nhà tài trợ: Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức
Cơ quan chủ quản: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Chủ dự án: Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia
Thời gian thực hiện:
+ Giai đoạn 1: 1,5 năm (từ tháng 6 năm 2009 đến tháng 12 năm 2010) theo Quyết định số 529/QĐ-BTNMT ngày 23 tháng 3 năm 2009, ngày hiệu lực tháng 6 năm 2009.
+ Giai đoạn 2: 3,5 năm (từ năm 2011 đến tháng 6 năm 2014) the Quyết định số 272/QĐ-BTNMT ngày 7 tháng 3 năm 2012.
1.2. Mô tả dự án
Nhằm góp phần hỗ trợ Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ môi trường, tăng cường chất lượng cuộc sống của người dân, Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức thông qua nguồn vốn viện trợ không hoàn lại ODA đã cung cấp vốn hoạt động cho nhiều dự án hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, trong đó có dự án “Tăng cường năng lực quy hoạch và điều tra nước dưới đất tại các khu đô thị (IGPVN)”. Dự án này được triển khai thông qua Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (NAWAPI), Bộ Tài nguyên và Môi trường và Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên thiên nhiên (BGR). Hai phía Việt Nam và Đức nhất trí lựa chọn 5 tỉnh Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Quảng Ngãi và Sóc Trăng sẽ là những vùng trọng tâm hoạt động của dự án. Đây là những tỉnh có nhiều vấn đề nổi cộm về nước dưới đất như: suy giảm mực nước, chất lượng nước do khai thác quá mức và do các hoạt động do con người gây ra; xâm nhập của nước mặn do điều kiện tự nhiên và nước biển dâng; sụt lún đất do khai thác. Được sự ủy nhiệm của Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Cộng hoà Liên bang Đức (BMZ) và Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (MONRE), ngày 25 tháng 6 năm 2009, đại diện của hai đơn vị chính thực hiện Dự án là Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên thiên nhiên (BGR) và Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã tổ chức ký kết Biên bản Thỏa thuận Thực hiện Dự án trong sự chứng kiến của đại diện Đại sứ quán CHLB Đức, Bộ TNMT và nhiều cơ quan báo chí. Đây là sự kiện chính thức khởi đầu các hoạt động của dự án, là kết quả của quá trình hợp tác, chuẩn bị và xây dựng các tài liệu pháp lý liên quan trình các cơ quan có thẩm quyền của hai nước phê duyệt. Dự án được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 kéo dài 1,5 năm; Giai đoạn 2 kéo dài 3,5 năm.
1.2.1. Mục tiêu và phạm vi dự án
– Mục tiêu tổng quát: Góp phần tăng cường bảo vệ nước dưới đất ở Việt Nam.
– Mục tiêu cụ thể: Nâng cao năng lực điều tra tổng hợp và quản lý tài nguyên nước dưới đất cho các đơn vị thực hiện và tham gia dự án ở các tỉnh Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Quảng Ngãi và Sóc Trăng.
– Phạm vi dự án: triển khai tại 5 tỉnh thành: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Quảng Ngãi và Sóc Trăng.
1.2.2. Tổ chức thực hiện
– Nhân sự của phía CHLB Đức: Viện BGR
– Nhân sự phía Việt Nam:
Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã điều hành và thực hiện các hạng mục công việc của Dự án dựa trên Ban Quản lý Dự án (BQLDA) đã được thành lập và hoạt động rất có hiệu quả. Trụ sở của Ban QLDA đặt tại trụ sở của Trung tâm Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước quốc gia ở Hà Nội.
2. KẾT QUẢ THỰC HIỆN
2.1. Đánh giá việc hoàn thành mục tiêu
Mức độ đạt được mục tiêu đề ra trong văn kiện của dự án được cấp có thẩm quyền duyệt:
– Cơ sở kỹ thuật và trang thiết bị điều tra, đánh giá và quản lý tài nguyên nước dưới đất của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cùng các đơn vị trực thuộc và 5 Sở Tài nguyên và Môi trường trong vùng dự án đã được tăng cường.
– Năng lực cán bộ Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước cùng các đơn vị trực thuộc và các Sở Tài nguyên và Môi trường tại 5 tỉnh dự án được nâng cao: Dự án đã tổ chức một số lớp học, đào tạo (cả trong và ngoài nước) về Tiếng Anh, ArcGIS, Mô hình GMS, Thủy địa hóa, Giải đoán thông số bơm thí nghiệm, thí nghiệm nhanh hiện trường Slug Test xác định một số thông số địa chất thủy văn, Khoanh đới Bảo vệ nước dưới đất.
– Dự án đã hỗ trợ Trung tâm xây dựng một số văn bản kỹ thuật trong lĩnh vực tài nguyên nước dưới đất: Hướng dẫn về giám sát tài nguyên nước dưới đất; Hướng dẫn kỹ thuật về phân định vùng bảo hộ cho các công trình khai thác nước dưới đất.
– Tham gia và hỗ trợ tài chính một số hoạt động trong khuôn khổ các buổi lễ kỷ niệm Ngày nước thế giới tổ chức trong các năm 2012, 2013, 2014.
– Đã tiến hành nghiên cứu cơ sở để đánh giá hiện trạng điều tra, đánh giá tài nguyên nước, đưa ra các khuyến nghị về khai thác hợp lý và bảo vệ nước dưới đất của 5 tỉnh trong vùng Dự án.
– Đã tiến hành nhiều đợt khảo sát, lấy mẫu phân tích thành phần hóa học nước dưới đất, phân tích đồng vị để đánh giá xâm nhập mặn và chất lượng nước dưới đất ở 5 tỉnh dự án.
– Xây dựng và nâng cấp mạng quan trắc; Xây dựng mô hình số địa chất thủy văn và nước ngầm phục vụ công tác quản lý ở địa phương.
– Kết hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước, Trung ương Đoàn thành niên Cộng sản Hồ Chí Minh tiến hành các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng về Bảo vệ tài nguyên nước, đặc biệt tại các trường tiểu học, trung học cơ sở tại Nam Định, Hà Nội và cho người dân các tỉnh của Dự án và nhân dân cả nước; In ấn, xuất bản nhiều tư liệu phục vụ hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ tài nguyên nước dưới đất.
– Tài trợ đoàn cán bộ của Bộ, Trung tâm và các tỉnh trong vùng Dự án tham gia chuyến tham quan, học tập và trao đổi kinh nghiệm tại CHLB Đức.
2.2. Các hợp phần và đầu ra
– Xây dựng hệ thống thông tin về nước dưới đất tại Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia và Sở Tài nguyên và Môi trường của 5 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Quảng Ngãi, Sóc Trăng.
– Kiểm tra những số liệu hiện có, hiện trạng ứng dụng phần mềm và mong muốn lắp đặt hệ thống thông tin nước dưới đất tại các đơn vị được lựa chọn.
– Đánh giá và lắp đặt mạng công nghệ thông tin ở Trung tâm Quy hoạch và ĐIều tra tài nguyên nước quốc gia và các Sở TNMT các tỉnh trong vùng dự án và đánh giá trữ lượng nước dưới đất.
– Mua sắm và lắp đặt thiết bị, mạng công nghệ thông tin, phương tiện phục vụ cho dự án như ô tô, máy tính, máy đo tự động, thiết bị phục vụ phân tích nước dưới đất
– Mua sắm và lắp đặt thiết bị, phương tiện phục vụ cho dự án như ô tô, máy tính, máy đo tự động, thiết bị phục vụ phân tích nước dưới đất
– Đào tạo cán bộ sử dụng hệ thống thông tin và đào tạo về mô hình và địa chất thủy văn.
3. PHÂN TÍCH HIỆU QUẢ KINH TẾ – XÃ HỘI
3.1. Phân tích so với mục tiêu và thiết kế dự án
Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng thông qua tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về bảo vệ tài nguyên nước dưới đất cho địa phương vùng dự án. Ngoài ra dự án cũng đã góp phần xây dựng các văn bản hướng dẫn kỹ thuật, bổ sung thêm các tài liệu điều tra, đánh giá và đưa ra các kiến nghị khai thác sử dụng bền vững tài nguyên nước dưới đất làm cơ sở để các cơ quan quản lý ở Trung ương và Địa phương hoạch định việc khai thác, bảo vệ tài nguyên nước và các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội ở các tỉnh của dự án; Góp phần nâng cao trình độ quản lý của các cơ quan địa phương, năng lực điều tra đánh giá của các cơ quan chuyên môn, nhận thức của người dân vùng dự án trong khai thác, sử dụng hiệu quả và bảo vệ tài nguyên nước; Ngăn chặn đà suy thoái, giảm thiểu tác hại do suy thoái cạn kiệt, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng nước dưới đất;
3.2. Tác động đối với ngành và vùng
– Nâng cao chất lượng nước dưới đất tại các vùng dự án đồng thời ngăn chặn được các tác hại có thể xảy do những tác động của vấn đề nước dưới đất.
– Sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên nước dưới đất. Môi trường nước được cải thiện.
– Giảm thiểu các tác hại, chi phí không cần thiết do quá trình khai thác nước dưới đất không theo quy trình gây ra.
3.3. Tính bền vững
– Dự án “Tăng cường bảo vệ nước dưới đất tại Việt Nam” (cả hai giai đoạn I và II) được xây dựng trên sự hợp tác về kỹ thuật của Chính phủ hai nước Cộng hòa Liên bang Đức và Việt Nam. Theo nội dung đã thỏa thuận, Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức sẽ hỗ trợ các thiết bị đo đạc, quan trắc, và các thiết bị phụ trợ khác đồng thời huấn luyện cán bộ kỹ thuật và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực điều tra, quản lý và bảo vệ nước dưới đất cho các đơn vị trong phạm vi dự án đó là Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước và các Sở Tài Nguyên và Môi trường các tỉnh Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Quảng Ngãi và Sóc Trăng. Như vậy, sau khi dự án kết thúc dự án, các đơn vị này hoàn toàn có thể áp dụng và nhân rộng kết quả thu được đối với các dạng công việc tương tự sau này.
– Các hoạt động quan trắc tài nguyên nước quốc gia sẽ vẫn được thực hiện sau khi dự án kết thúc từ nguồn ngân sách nhà nước cấp hàng năm theo Quyết định 16/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ./.