Bảo vệ nước dưới đất khỏi bị nhiễm bẩn là một vấn đề cấp bách trong thời gian hiện nay. Nói đến bảo vệ nước dưới đất là nói đến phòng và chống sự nhiễm bẩn. Chính vì vậy việc xác định các đới phòng ngừa sự nhiễm bẩn của nước dưới đất cho các công trình khai thác nước dưới đất trên khía cạnh xây dựng hợp lý đới phòng hộ vệ sinh là rất cần thiết. Đặc biệt là đối với các công trình khai thác nước trong các thành tạo bở rời tại các đô thị
Năm 2015, Đề tài: “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn khoanh định hành lang bảo vệ miền cấp cho nước dưới đất từ nước sông. Áp dụng thí điểm tại khu vực Thượng Cát – Hà Nội” đã được mở ra.
Hiện nay, nước cung cấp cho Hà Nội gồm khoảng 1.200.000m3/ng nước được khai thác từ nước dưới đất và khoảng 230.000m3/ngày lấy từ nước sông Đà. Vai trò của nước sông Hồng cung cấp cho nước dưới đất là rất lớn khoảng 75%. Tuy nhiên các bãi giếng khai thác gần sông hiện nay chưa có hành lang bảo vệ miền cấp. Các hoạt động xây dựng làm cản trở dòng chảy ngầm từ nước sông cho nước dưới đất chưa được đánh giá. Để khai thác nước dưới đất bền vững cần phải bảo vệ được nguồn cấp cho chính nó.
Trên thế giới, ở các nước Nga, Đức, Anh, Hà Lan, Mỹ thường khoanh định hành lang khai thác theo 3 đới, trong mỗi đới sẽ quy định nghiêm ngặt về những hoạt động được phép thực hiện trong phạm vi mỗi đới.
Theo kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới, ở Việt Nam Bộ Tài Nguyên và Môi trường cũng đã ban hành Quyết định số 15/BTNMT-2008, quy định về việc bảo vệ tài nguyên nước dưới đất với việc quy định các hành vi bị cấm, hạn chế trong các khu vực đới bảo vệ vệ sinh I, II, III. Trong đó đới I, II là đới bảo vệ lõi, được quy định cụ thể và chi tiết. Theo đó:
“Đới bảo vệ thứ nhất (Đới I)” (Immediate Protection Zone) là “đới lõi” có các giới hạn an ninh nghiêm ngặt nhất nhằm bảo vệ giếng khai thác hoặc mạch lộ trước các nguy cơ ô nhiễm trực tiếp.
“Đới bảo vệ thứ hai (Đới II)” (Inner) là diện tích liền kề với đới bảo vệ thứ nhất, nhằm bảo vệ giếng, mạch lộ khai thác khỏi bị nhiễm bẩn hóa học và vi trùng.
Kết quả nghiên cứu của đề tài đã khoanh định được 3 đới bảo vệ nước dưới đất khu vực bãi giếng Thượng Cát như sau:
+ Đới I của các giếng khai thác bãi giếng Thượng Cát là diện tích của nhà trạm (bán kính 10m). Trong Đới này cần phải thường xuyên kiểm tra, duy tu và bảo dưỡng nhà trạm thường xuyên, tránh để xuống cấp hoặc bị phá hoại.
+ Đới II nhằm bảo vệ giếng khai thác khỏi bị nhiễm bẩn bởi các chất hóa học độc hại và các vi sinh vật gây bệnh.
+ Đới III nhằm đảm bảo duy trì số lượng và chất lượng nước dưới đất trong diện tích khai thác. Thông thường Đới III bao trùm cả Đới I và II. Về mặt pháp lý, những hoạt động trong đới III yêu cầu không nghiêm ngặt như trong Đới I và II.
Kết quả đề tài cũng đã đưa ra được dự thảo hướng dẫn phương pháp xác định hành lang bảo vệ miền cấp cho bãi giếng khai thác ở những vùng nước dưới đất có quan hệ thủy lực với nước sông. Đây là cơ sở khoanh định hành lang bảo vệ nguồn nước dưới đất cho những vùng tương tự trên cả nước.
(Phạm Thu – TT Dữ liệu quy hoạch và điều tra tài nguyên nước)