Các lưu vực sông ở Việt Nam cũng như trên nhiều nước có phạm vi phân bố các nguồn nước mặt thường không trùng với phạm vi phân bố các nguồn nước dưới đất nên việc đánh giá tổng tài nguyên nước, các nhiệm vụ quản lý tài nguyên nước cụ thể trong một lưu vực sông sẽ là vấn đề không dễ giải quyết khi xác định các nguồn nước tham gia vào lưu vực sông đó. Xây dựng danh mục các nguồn nước dưới đất trong các lưu vực sông vì vậy là một công việc rất cấp thiết.
Việc quản lý tài nguyên nước được quy định theo pháp luật phải bảo đảm các nguyên tắc: thống nhất theo lưu vực sông, theo nguồn nước, kết hợp với quản lý theo địa bàn hành chính; quản lý tổng hợp, thống nhất về số lượng và chất lượng nước; giữa nước mặt và nước dưới đất. Việc xây dựng và ban hành danh mục lưu vực sông, danh mục nguồn nước là căn cứ để thực hiện các nội dung quản lý tài nguyên nước theo lưu vực sông, nguồn nước cũng được Luật Tài nguyên nước quy định rõ. Cho đến nay, danh mục lưu vực sông đã được ban hành là cơ sở xác định phạm vi không gian cho các nhiệm vụ quản lý, điều tra, quy hoạch tài nguyên nước ở Trung ương và các địa phương.
Tuy vậy, danh mục nguồn nước, nhất là nguồn nước dưới đất cho đến nay vẫn chưa được xây dựng là một vấn đề khó khăn, thách thức đối với định hướng chính sách, pháp luật về quản lý, điều tra và quy hoạch tài nguyên nước.
Nghiên cứu cơ sở khoa học để phân chia, xác định các nguồn nước dưới đất, lập danh mục nguồn nước dưới đất cho từng lưu vực sông là cần thiết để việc xây dựng danh mục đáp ứng được các khía cạnh khoa học và quản lý tài nguyên nước hiện nay.
Năm 2015, ThS. Nguyễn Duy Dũng thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước quốc gia đã chủ nhiệm thực hiện đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học Xây dựng danh mục các nguồn nước dưới đất trên các lưu vực sông ở Việt Nam. Áp dụng cho lưu vực sông Hồng” trong chương trình “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ quản lý, khai thác hiệu quả và bền vững tài nguyên nước quốc gia đáp ứng nhu cầu nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2010 – 2015”.
Đề tài nghiên cứu có hai mục tiêu chính:
– Xác định các phương pháp, quy trình xây dựng và nội dung thể hiện danh mục nguồn nước dưới đất trong lưu vực sông.
– Xác lập danh mục nguồn nước dưới đất lưu vực sông Hồng phục vụ công tác quản lý, điều tra và quy hoạch tài nguyên nước.
Theo đó, Quy hoạch và quản lý tài nguyên nước thống nhất theo lưu vực sông, theo nguồn nước, kết hợp với quản lý theo địa bàn hành chính, thống nhất giữa nước dưới đất với nước mặt là yêu cầu khách quan mà Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới đang hướng tới. Tuy vậy, cách thức quản lý các nguồn nước để đáp ứng các yêu cầu đó ở các nước có sự khác biệt nhau về điều kiện tự nhiên, các thông tin về nguồn nước và trình độ khoa học, công nghệ lại chưa có hướng dẫn cụ thể. Ở Việt Nam, các lưu vực sông được hình thành từ mạng sông suối khá dày đặc, đặc điểm thuỷ văn và địa chất thuỷ văn đa dạng với 3.317 con sông có chiều dài trên 10km, 24 phân vị địa chất chứa nước trên toàn lãnh thổ tồn tại trong các trầm tích bở rời, phun trào bazan đến các loại đá cứng. Các vùng, miền địa chất thuỷ văn và các lưu vực sông liên tỉnh và nội tỉnh hình thành nên các điều kiện tự nhiên nguồn nước rất đa dạng. Vì vậy, vấn đề quy hoạch, quản lý tài nguyên nước một cách khoa học, hiệu quả càng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Kết quả điều tra cơ bản địa chất thuỷ văn và tài nguyên nước dưới đất trên quy mô toàn lãnh thổ đã làm rõ các đối tượng chứa nước chính, lập danh bạ một số nguồn tài nguyên có giá trị. Tuy nhiên, xét trên quy mô lưu vực, các kết quả này vẫn còn nhiều hạn chế. Trên diện rộng, sự phân bố đất đá chứa nước của một phân vị địa chất có thể được khoanh định vào một đối tượng chứa nước khu vực song trên quy mô lưu vực hẹp hơn, sự không liên tục về không gian hay sự biệt lập thực tế giữa các khoảnh chứa nước cần phải xem xét phân tách ra các nguồn nước riêng rẽ vẫn chưa được thực hiện. Trong trường hợp khác, các khoảnh chứa nước thuộc các đối tượng địa chất chứa nước khác nhau nhưng xét trên phạm vi hẹp, chúng có sự liên hệ trực tiếp về nguồn nước dưới đất với các phân vị khác liền kề nhưng lại được phân chia thành các nguồn nước dưới đất riêng biệt, làm cho việc khoanh định các phân vị chứa nước không phản ánh chính xác số lượng các nguồn nước dưới đất hiện có trên các lưu vực sông.
Bên cạnh đó, do tính đa dạng của các nguồn nước trong lưu vực sông, phạm vi phân bố các nguồn nước mặt thường không trùng với phạm vi phân bố các nguồn nước dưới đất, việc hệ thống hoá thông tin, kết quả điều tra các nguồn nước dưới đất chưa được thực hiện cho các lưu vực sông, vùng lãnh thổ thống nhất với các thông tin, số liệu về tài nguyên nước mặt dẫn đến việc đánh giá và quản lý tài nguyên nước trong lưu vực sông gặp nhiều khó khăn khi xác định các nguồn nước tham gia vào lưu vực, các vấn đề cần giải quyết đối với từng nguồn nước trong quy hoạch và quản lý tổng hợp lưu vực sông đó.
Vì vậy, để quy hoạch và quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo cách tiếp cận hiện đại, nhiệm vụ cấp thiết cần đặt ra là nghiên cứu cơ sở khoa học để phân chia, xác định các nguồn nước dưới đất cho từng lưu vực sông một cách phù hợp, đáp ứng được các yêu cầu của quản lý tài nguyên nước hiện nay. Đề tài hướng đến việc nghiên cứu cách thức phân chia các nguồn nước dưới đất trên quy mô lưu vực sông, hệ thống hoá các thông tin, dữ liệu liên quan để xây dựng danh mục các nguồn nước dưới đất cho các lưu vực trên cơ sở các kết quả điều tra địa chất thuỷ văn và điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất trên toàn lãnh thổ nhằm phục vụ tôt hơn yêu cầu của quản lý tài nguyên nước cho các lưu vực sông.
Các nội dung của đề tài bao gồm:
Nội dung 1: Nghiên cứu tổng quan về khái niệm nguồn nước dưới đất, các tiêu chí, nguyên tắc, nội dung thể hiện danh mục nguồn nước dưới đất theo lưu vực sông trên thế giới và Việt nam.
Nội dung 2: Nghiên cứu , tổng hợp kết quả phân chia, đánh giá đặc điểm số lượng, chất lượng các nguồn nước dưới đất trong các vùng địa lý, thuỷ văn đặc trưng.
Nội dung 3: Nghiên cứu phương pháp luận xác lập các tiêu chí, nguyên tắc và nội dung thể hiện nguồn nước dưới đất theo lưu vực sông phù hợp với các điều kiện tại Việt Nam.
Nội dung 4: Nghiên cứu xác lập danh mục nguồn nước dưới đất trên lưu vực sông Hồng phục vụ công tác quản lý, quy hoạch tài nguyên nước.
Kết quả đạt được, đề tài đã tổng hợp kết quả phân chia, đánh giá các tầng, phức hệ, cấu trúc chứa nước chính trên các vùng lãnh thổ vùng Đông Bắc, Tây Bắc, đồng bằng Bắc Bộ; Xây dựng các tiêu chí, nguyên tắc phân loại nguồn nước dưới đất theo đặc điểm lưu vực sông, theo đặc điểm thành tạo, thành phần thạch học và mức độ lưu thông của nguồn nước, thoe đặc điểm thành phần hóa học của nguồn nước; Nghiên cứu xác lập danh mục nguồn nước dưới đất vùng Đông Bắc, Tây Bắc, đồng bằng Bắc Bộ.