Theo Quyết định số 276/QĐ-TTg ngày 18/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu đề ra cho Tây Nguyên là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm giai đoạn 2016 – 2020 khoảng 8,7%/năm. Để đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế, việc đáp ứng các yêu cầu về nước cho phát triển đang là thử thách lớn đối với Tây Nguyên. Đặc biệt, trong điều kiện hạn hán đã và đang kéo dài ở nhiều vùng của Tây Nguyên thì việc đạt được mục tiêu đề ra lại càng thêm nhiều khó khăn, thách thức.
Suy giảm mực nước tầng chứa nước bazan ở nhiều nơi tại Tây Nguyên
Theo các số liệu quan trắc mực nước mạng quan trắc quốc gia tài nguyên nước dưới đất, năm 2015, ở tầng chứa nước bazan xảy ra hiện tượng suy giảm mực nước tại nhiều nơi và lan rộng đặc biệt vào mùa khô. Có thể thấy, nhu cầu về nước ngày càng tăng do áp lực kinh tế và phát triển, lưu lượng các nguồn nước giảm do giảm lượng bổ cập vì thay đổi lượng mưa. Dấu hiệu của biến đổi khí hậu đã làm lượng mưa ở nhiều vùng thay đổi, mưa nhiều vào mùa mưa và mùa khô kéo dài. Hơn thế nữa, vấn đề suy thoái mực nước tầng chứa nước bazan đã xuất hiện ở nhiều nơi trên toàn Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng mà nguyên nhân chính là do khai thác nước quá mức.
Cần thiết phải xác định ngưỡng khai thác cho các tầng chứa nước
Hiện nay, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng, việc khai thác nước dưới đất phục vụ cho các mục đích (ăn uống sinh hoạt, tưới nông nghiệp, sản xuất công nghiệp) về mùa khô rất lớn. Có thể nói, nước dưới đất trong phun trào bazan là nguồn nước quan trọng của Tây Nguyên. Theo số liệu quan trắc của mạng quan trắc quốc gia tài nguyên nước vùng Tây Nguyên trong những năm gần đây cho thấy có nhiều vùng mực nước liên tục có xu hướng hạ thấp. Hiện tượng hạ thấp mực nước ở nhiều nơi trong vùng rất đáng lo ngại. Nguyên nhân chính là do khai thác quá mức, nhất là về mùa khô. Để đảm bảo nguồn nước không bị cạn kiệt, gây suy thoái tầng chứa nước thì việc khai thác phải không vượt quá ngưỡng cho phép.
Tuy nhiên, việc xác định ngưỡng khai thác cho các tầng chứa nước hiện vẫn còn là một nhiệm vụ khó và cũng chưa được nghiên cứu nhiều ở Việt Nam, đặc biệt ở Tây Nguyên. Trước thách thức khai thác đối với nguồn nước ngày một lớn, nhu cầu dùng nước cho phát triển kinh tế – xã hội ngày một cao, nhưng nguồn nước thì có hạn nên việc đảm bảo trữ lượng cho cung cấp nước lâu dài là một nhiệm vụ rất quan trọng.
Thực trạng cho thấy, các báo cáo tìm kiếm và thăm dò nước dưới đất ở Tây Nguyên mới chỉ đánh giá các loại trữ lượng nước dưới đất theo truyền thống theo các lỗ khoan đơn lẻ, mà chưa xác định được ngưỡng khai thác hợp lý cho từng vùng, khu. Hiện nay, ở các công trình khai thác nước, các chủ sở hữu chỉ quan tâm đến lưu lượng khai thác cho nhu cầu của mình mà không quan tâm đến giới hạn khai thác để đảm bảo tầng chứa nước không bị tháo khô và làm thay đổi tính chất cũng như các nguy cơ xâm nhập chất bẩn đến các công trình khai thác. Họ thường khai thác vượt nhiều lần so với trữ lượng có thể khai thác. Với tình trạng như vậy, khả năng suy giảm trữ lượng và chất lượng nước dưới đất đang hiện hữu nhất là về mùa khô kéo dài 6-7 tháng liên tục tại Tây Nguyên và khi đã xảy ra thì việc phục hồi lại môi trường chứa nước là việc khó thực hiện, gần như bất khả thi, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu với lượng mưa tăng thấp nhất so với cả nước (1- 4%) theo kịch bản phát thải cao của kịch bản BĐKH, nước biển dâng cho Việt Nam.
Để tránh các nguy cơ trên cần thực hiện một số giải pháp như: xác định ngưỡng khai thác của tầng chứa nước khe nứt – lỗ hổng phun trào bazan; xác định ngưỡng khai thác an toàn đối với những vùng đang khai thác; xác định ngưỡng khai thác hợp lý đối với các vùng chưa khai thác phục vụ quy hoạch, quản lý, cấp phép khai thác và bảo vệ tầng chứa nước, bảo vệ tài nguyên nước của tầng chứa nước phun trào bazan ở Tây Nguyên nói chung và cao nguyên Pleiku – Gia Lai nói riêng.
Trước tình hình đó, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã nghiên cứu, triển khai thực hiện đề tài khoa học cấp Bộ “Xác định ngưỡng khai thác của tầng chứa nước khe nứt – lỗ hổng phun trào bazan, áp dụng cho cao nguyên Pleiku, Gia Lai”. Đề tài là một nghiên cứu có tính ứng dụng cao, kết quả của đề tài là cơ sở để nhân rộng và áp dụng cho tính toán, xác định ngưỡng khai thác nước trong tầng chứa nước khe nứt – lỗ hổng phun trào bazan vùng Tây Nguyên nói chung và cao nguyên Pleiku, Gia Lai nói riêng.
Qua quá trình triển khai thực hiện, đề tài đã hoàn thành việc nghiên cứu xác định ngưỡng khai thác của tầng chứa nước khe nứt – lỗ hổng phun trào bazan mà không làm biến đổi điều kiện hình thành, vận động, môi trường chứa của tầng chứa nước. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã góp phần đề xuất các phương pháp xác định ngưỡng khai thác của nước dưới đất trong tầng chứa nước phun trào bazan bằng mô hình dòng ngầm kết hợp với phương pháp giải tích, đồng thời có thể ứng dụng phương pháp này cho các tầng chứa nước khác.
(Hồng Nhung – NAWAPI)