Xác định giới hạn khai thác hợp lý nước dưới đất qua nghiên cứu sự phục hồi tầng chứa nước trong quá trình thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác tại tỉnh Thái Bình

Năm 2020, ThS. Chu Thị Thu – Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ tài nguyên nước – Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cùng các cộng sự đã hoàn thành nghiên cứu đề tài khoa học và công nghệ cấp cơ sở “Xác định giới hạn khai thác hợp lý nước dưới đất qua nghiên cứu sự phục hồi tầng chứa nước trong quá trình thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác tại tỉnh Thái Bình“ để tìm ra các giải pháp kết hợp khai thác, sử dụng hợp lý nguồn nước mặt và nguồn nước dưới đất bền vững, hiệu quả…

Các nội dung nghiên cứu của đề tài gồm: Nghiên cứu tổng quan về tài nguyên nước dưới đất, tình hình khai thác sử dụng và các biện pháp hạn chế khai thác nước đưới đất ở tỉnh Thái Bình; Nghiên cứu đánh giá hiện trạng khả năng phục hồi trữ lượng của các tầng chứa nước khi áp dụng các biện pháp hạn chế khai thác; Nghiên cứu xác định giới hạn khai thác và lượng khai thác tối đa đối với các tầng chứa nước sau khi được phục hồi từ đó đề xuất giải pháp khai thác bền vững.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, tính đến tháng 8 năm 2020, số lượng người dân sử dụng nước máy tăng nhanh, khoảng 97,05% người dân đã sử dụng nước sạch từ mạng cấp nước tập trung khai thác từ nước mặt. Các huyện, thị như thành phố Thái Bình, Vũ Thư, Tiền Hải, Kiến Xương đã khai thác 100% từ nguồn nước mặt. Toàn tỉnh còn khoảng 15.674 hộ chưa sử dụng nước sạch, vẫn khai thác nước dưới đất bằng các giếng khoan, giếng đào. Tại khu vực các huyện Hưng Hà, Đông Hưng, Quỳnh Phụ có 9483 hộ sử dụng nước từ các giếng khoan sâu từ 70 – 100m khai thác trong tầng qp với lưu lượng khai thác khoảng 2.845 m3 /ngày. Các huyện còn lại, tầng qp đã bị mặn nên người dân khai thác trong tầng qh với lưu lượng khoảng 1.857 m3/ngày. Về các công trình cấp nước tập trung, hiện chỉ còn 6 nhà máy khai thác nước ngầm và một vài đơn vị giấy phép còn hiệu lực hoạt động với tổng công suất khai thác khoảng 6.300 m3/ngày.

Như vậy, từ tháng 10/2017, sau hơn 3 năm chỉ thị số 25/CT-UBND của UBND tỉnh Thái Bình về việc tăng cường công tác quản lý các hoạt động khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh có hiệu lực, đã có sự chuyển biến tích cực trong việc hạn chế khai thác sử dụng nước dưới đất trong đại bộ phận người dân trên toàn tỉnh. Đây là cơ sở để đánh giá sự phục hồi của tầng chứa nước khi áp dụng các biện pháp hạn chế khai thác mà đề tài đang hướng đến.

Để đánh giá hiện trạng phục hồi của các tầng chứa nước khi áp dụng các biện pháp hạn chế khai thác, Đề tài đã kế thừa mô hình dòng chảy nước dưới đất của tỉnh Thái Bình do tác giả Đặng Trần Trung thiết lập năm 2017, tính toán trữ lượng nước dưới đất tại thời điểm trước và sau khi áp dụng biện pháp hạn chế khai thác và sử dụng số liệu quan trắc tại các lỗ khoan quan trắc trên địa bàn tỉnh để đánh giá xu hướng tăng giảm của mực nước từ đó kiểm chứng kết quả của mô hình. Kết quả cho thấy, tầng chứa nước qh2 có trữ lượng phục hồi là 14191,8 m3/ngày; tầng qp có trữ lượng phục hồi là 9284,2 m3/ngày. Mực nước quan trắc tại các lỗ khoan thuộc tầng qh2 có xu hướng dâng từ 0,01m (Q.159) đến 1,46m (NG4 – QTB181a). Mực nước quan trắc tại các lỗ khoan thuộc tầng qp có xu hướng dâng tại khu vực phía Nam tỉnh và vẫn có xu hướng giảm tại các lố khoan quan trắc gần vùng khai thác nước dưới đất, tuy nhiên tốc độ giảm có nhỏ hơn so với trước đây.

Theo quy định tại Điều 7, khoản 3 của nghị định 167/2018/NĐ-CP, xác định được giới hạn khai thác của các tầng chứa nước thuộc tỉnh Thái Bình để đảm bảo tính bền vững là sẽ không vượt quá 90% lượng bổ cập và mực nước động không vượt quá 30m. Bằng cách sử dụng phương pháp mô hình nước dưới đất kết hợp chỉ số bền vững nước dưới đất, tính toán trữ lượng có thể khai thác bền vững trên địa bàn tỉnh là 172.577 m3/ngày, huyện có trữ lượng có thể khai thác lớn nhất là Quỳnh Phụ với 51.357 m3/ngày, thành phố Thái Bình có trữ lượng thấp nhất là 1.162 m3/ngày.

Căn cứ vào kết quả nghiên cứu cho thấy, việc khai thác nước dưới đất tập trung như hiện nay của tỉnh Thái Bình ở mức thấp và hoàn toàn không làm ảnh hưởng suy thoái cạn kiệt hay ô nhiễm quá mức đến các tầng chứa nước. Vì vậy, có thể vẫn thực hiện khai thác nước dưới đất ở mức như hiện tại hoặc tăng công suất khai thác tại các nhà máy khai thác nước tập trung kết hợp với nguồn nước mặt để đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh. Thay vì việc cấm hoàn toàn việc khai thác nước dưới đất, tỉnh nên thực hiện việc nghiên cứu khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế và vùng được phép khai thác nước dưới đất và thực hiện đánh giá khả năng tự bảo vệ của các tầng chứa nước và từ đó có những biện pháp bảo vệ các tầng chứa nước này khỏi ô nhiễm, xâm nhâp mặn.