Hiện nay công tác dự báo tài nguyên nước nói chung và dư báo tài nguyên nước dưới đất nói riêng có tầm quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng và đặc biệt trong công tác chủ động phòng tránh thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại do nước gây ra. Trong điều kiện xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu đòi hỏi số liệu quan trắc và thông tin về dự báo diễn biến tài nguyên nước ngày càng cao, không chỉ phong phú về mặt nội dung mà cả về độ chính xác của bản tin dự báo. Vì vậy, việc đánh giá chất lượng bản tin dự báo tài nguyên nước dưới đất là một việc rất cần thiết và ngày càng được các Cơ quan quản lý tài nguyên nước và các hộ dùng nước quan tâm chú ý hơn.
Việc đánh giá chất lượng bản tin dự báo diễn biến tài nguyên nước dưới đất là một trong các chỉ tiêu cơ bản để đánh giá công việc của Trung tâm Cảnh báo và Dự bái tài nguyên nước thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, đồng thời, thông qua chất lượng dự báo tài nguyên nước dưới đất, có thể định hướng được công tác nghiên cứu và nâng cao chất lượng bản tin dự báo một khi biết được chi tiết chỗ mạnh yếu của các sản phẩm này. Tuy nhiên, vấn đề đánh giá chất lượng bản tin dự báo diễn biến tài nguyên nước dưới đất là một vấn đề hết sức phức tạp vì trên thực tế, không có một phương pháp hay quy phạm đánh giá nào bao quát được mọi mục đích của việc đánh giá chất lượng bản tin dự báo. Nhiều chuyên gia tài nguyên nước cho rằng việc đánh giá chất lượng bản tin dự báo cũng khó khăn phức tạp chẳng kém gì việc làm ra các bản tin dự báo. Sự khó khăn này thể hiện ở các điểm chính sau:
– Sự phức tạp của diễn biến tài nguyên nước, các yếu tố tài nguyên nước và thông báo, dự báo liên quan đến không gian, thời gian và cường độ của chúng;
– Tính chất của thông báo, cảnh báo, dự báo (bản tin tháng, bản tin quý, bản tin năm,…);
– Các phương pháp và chỉ tiêu đánh giá không phải là duy nhất;
– Các quy ước về giới hạn cường độ, không gian và thời gian chưa thống nhất;
– Quá trình phát triển kinh tế xã hội và khoa học công nghệ làm cho công tác quan trắc và dự báo nghiệp vụ tài nguyên nước thay đổi, yêu cầu của xã hội, của người dùng cũng thay đổi. Sự thay đổi đó lại kéo theo những thay đổi về thuật ngữ, về những quy ước theo không gian, thời gian, về tính chất bản tin…
Theo các chuyên gia về tài nguyên nước, có 3 lý do quan trọng nhất cần phải đánh giá chất lượng bản tin dự báo tài nguyên nước dưới đất là:
1. Để theo dõi chất lượng dự báo: xem các số liệu quan trắc và các bản tin dự báo chính xác đến mức nào và mức chính xác có ngày càng tốt hơn không?
2. Để nâng cao chất lượng dự báo tài nguyên nước dưới đất: vì trước hết phải tìm ra dự báo sai cái gì, sai như thế nào thì mới có thể cải tiến công nghệ dự báo.
3. Để so sánh chất lượng dự báo của các hệ thống dự báo khác nhau.
Hiện nay việc đánh giá chất lượng dự báo tài nguyên nước dưới đất trên thế giới chủ yếu dựa vào các thông số thống kê đánh giá mực nước dự báo so với mực nước thực đo, và được ứng dụng đánh giá tại các mô hình nước dưới đất để đánh giá chất lượng phương án dự báo (Modflow, GMS…). Các thông số đánh giá bao gồm các thông số sau: Sai số dự báo (R), sai số dự báo trung bình (R-), sai số dự báo tuyệt đối, sai số ước lượng chuẩn (SEE), Sai số bình phương trung bình căn (RMS), Sai số trung bình căn đặc trưng (NRMS), hệ số tương quan (R). Tuy nhiên việc đánh giá này chỉ cho chúng ta biết được tổng quan về kết quả dự báo so với giá trị thực đo, nhưng chưa thể hiện được chất lượng của con số dự báo đạt hay không đạt
Tại Trung tâm cảnh báo và dự báo tài nguyên nước đang sử dụng các thông số MAE, RMS và NRMS để đánh giá chất lượng bản tin. Với MAE = 0 thì kết quả dự báo là hoàn hảo. Hiện nay chưa có quy định về sai số tuyệt đối cho phép đối với từng vùng do đó trong báo cáo đánh giá chất lượng dự báo đối với vùng đồng bằng Bắc Bộ thì tạm thời quy ước như sau:
Nếu MAE = < 0,5m thì kết quả dự báo là Đạt.
Tuy nhiên đối với những công trình có sự biến đổi, dao động mực nước trong ngày hoặc hàng tháng lớn thì việc đánh giá bằng sai số tuyệt đối trung bình MAE là không chính xác. Do đó bên cạnh việc đánh giá sai số tuyệt đối trung bình, đối với những công trình có mực nước biến đổi lớn thì cần phải đánh giá độ lệch chuẩn của chuỗi số liệu dự báo so với biến động mực nước thực tế hay còn gọi là sai số trung bình quân phương NRMS.
Còn trong trường hợp MAE >0,5 chúng ta phải xét đến sai số trung bình quân phương của chuỗi dự báo so với biến động mực nước thực tế quan trắc được. Độ lệch chuẩn càng nhỏ thì sai số trung bình quân phương càng nhỏ. NRMS càng nhỏ thì độ chính xác càng cao.